Gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa

Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều dự thảo luật được bàn luận, dự kiến thông qua, hoặc xem xét chờ thông qua ở các kỳ họp sau. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một trong những nội dung được xem xét tại kỳ họp lần này và cũng đang được dư luận rất quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00

Việc này rất đáng chú ý trong bối cảnh văn hóa đang được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhất là khi các quy định hiện hành về di sản văn hóa đã bộc lộ nhiều bất cập; thực tế bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân tộc gặp nhiều thách thức trong cách hiểu, cách làm. Bởi thế mà có tình trạng khi có di sản bị xâm phạm như đình, chùa, đảo trên vịnh, bờ biển… thì các yếu tố liên quan về không gian, thiên nhiên, môi trường không được nhìn nhận đầy đủ một cách hệ thống, dẫn đến lúng túng trong xử lý và bất đồng giữa các bên như ngành văn hóa, ngành xây dựng, giao thông… Hoặc có hiện tượng khai thác di sản để phát triển du lịch nhưng để cho di sản bị xuống cấp hoặc tôn tạo không đúng dẫn đến biến dạng cả về kiến trúc lẫn không gian, cảnh quan, có khi còn bị hiểu sai lệch về nghi thức, sinh hoạt văn hóa…

Còn nhiều hiện tượng, thực trạng khác cho thấy việc sửa đổi, bổ sung cho quy định luật pháp về di sản văn hóa là tất yếu. Điều rất được kỳ vọng qua kỳ họp lần này, là chất lượng thảo luận, đóng góp cho Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thực tế cũng cho thấy, có rất nhiều vấn đề cũ, mới còn tồn tại, nảy sinh chung quanh một vấn đề luật pháp mà do một số nguyên nhân nên chưa thể đưa ra những góp ý, nhận xét, phản biện thấu đáo, đầy đủ. Cũng như chính dự thảo do bộ chủ quản tổ chức soạn thảo, được cơ quan chuyên môn, chuyên ngành góp ý, khi đưa ra bàn thì nhìn từ những góc độ khác của kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức… lại thấy nảy sinh những vấn đề cần bổ khuyết.

Từ thực tế sinh động và đa dạng, phong phú đó, rất cần những người xây dựng dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội lắng nghe, tiếp nhận thêm các thông tin, ý kiến từ báo chí, dư luận xã hội, các diễn đàn khoa học và cộng đồng mạng… liên quan đến vấn đề bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên các phương diện kinh tế, khoa học, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, củng cố mối đại đoàn kết toàn dân tộc… Xã hội đang chứng kiến những nguồn thông tin đa dạng, các diễn đàn đề cập về nhiều lĩnh vực và những sinh hoạt thường xuyên liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa từ vật thể đến phi vật thể, từ di sản lâu đời đến di sản trong đời sống hiện đại, từ di sản miền đồng bằng đến trung du, miền núi và di sản do con người làm ra cho đến di sản mang nhiều yếu tố tự nhiên, thiên nhiên... Tiếp nhận, chọn lọc thêm những nguồn dữ liệu đời sống cập nhật, sinh động và thiết thực đó, việc góp ý, chỉnh sửa, bổ sung cho dự thảo luật về di sản văn hóa sửa đổi sẽ bao quát được đầy đủ hơn những vấn đề đời sống đang đặt ra. Cũng như sẽ đưa vào luật định hướng quản lý một cách sâu sắc, hiệu quả và hiệu lực hơn. Vài thí dụ như lúng túng ứng xử với di chỉ khảo cổ phát lộ trong quá trình xây dựng, làm đường; hay chậm trễ bảo vệ các tòa nhà pha trộn kiến trúc Đông - Tây ở nhiều đô thị lớn, bảo tồn các không gian văn hóa đang bị nguy cơ xâm hại… chính là những thực trạng cần được khắc phục tốt hơn từ dự thảo luật được xem xét lần này. Bởi di sản văn hóa là những giá trị rất ý nghĩa, liên quan đến các thời đại, con người và lịch sử. Nhưng nếu để mất đi sẽ không có cơ hội phục dựng, tái tạo hay làm lại.