Cần chính sách thúc đẩy văn học nghệ thuật

Thời gian qua, với sự định hướng và triển khai của các ban, bộ, ngành trung ương và tổ chức các hoạt động tổng kết, nhìn lại 50 năm phát triển văn học nghệ thuật nước nhà từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975 đang được triển khai rộng rãi.
0:00 / 0:00
0:00

Đã và sẽ có các hội thảo, chương trình tổng kết, hoạt động bình chọn tác phẩm, trao giải thưởng, danh hiệu… để tôn vinh các tác phẩm sáng tác và lý luận phê bình tiêu biểu; ghi nhận cống hiến của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từ khi đất nước hòa bình; đánh giá quá trình triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật và việc phát triển chính sách cho lĩnh vực này qua nhiều thập kỷ.

Đây là những việc làm quan trọng, góp phần khẳng định những giá trị đặc sắc, lâu bền trên hành trình văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ đồng hành với đất nước, dân tộc. Bên cạnh những thành tựu tiêu biểu, thì một trong những điều rất cần được phân tích, chỉ ra rõ ràng, cụ thể là những bất cập, hạn chế trong chính sách, cơ chế phát triển văn học nghệ thuật, đãi ngộ văn nghệ sĩ. Để từ đó đưa ra định hướng điều chỉnh, bổ sung, xây dựng những chính sách, cơ chế mới tiến bộ hơn, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước, xã hội trong tình hình mới; tiếp sức, thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển lan tỏa sâu rộng vào quần chúng nhân dân; và khích lệ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, dấn thân, cống hiến.

Những năm qua, nhiều chính sách tích cực đã được xây dựng, triển khai hiệu quả. Nhưng còn đó nhiều khoảng trống khi áp dụng vào thực tế. Còn những băn khoăn của văn nghệ sĩ khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đầu tư. Còn những lúng túng của địa phương trong áp dụng các quy định được ngành văn hóa triển khai. Vài thí dụ được xã hội, giới nghề quan tâm thời gian qua cho thấy điều này:

Như việc chậm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật, xây dựng và kiểm soát thị trường mỹ thuật. Hoặc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với không ít bất cập trong việc thẩm định, cấp phép biểu diễn, lưu hành tác phẩm; rồi xử lý những bất cập, vi phạm của nghệ sĩ về quy định xã hội, về thuần phong mỹ tục. Hay lĩnh vực điện ảnh với những bất cập trong thẩm định, phân loại phim; vấn đề ưu đãi phim nội trong cuộc cạnh tranh với phim ngoại; hoặc hoàn thiện các nội dung định hướng, điều chỉnh trong phát triển công nghiệp điện ảnh, điện ảnh kết nối với du lịch, quảng bá văn hóa. Và nhìn chung cả nhiều lĩnh vực từ sáng tác văn học đến nhiếp ảnh hay mỹ thuật, âm nhạc… thì nạn vi phạm bản quyền vẫn tồn tại nhức nhối gây bức xúc trong văn nghệ sĩ, làm đau đầu các nhà quản lý, xây dựng chính sách, gây nghi ngờ cho công chúng cũng như làm chậm tiến trình xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh.

Những bất cập tồn tại, phát sinh theo chiều hướng tiêu cực như thế đặt ra những đòi hỏi đối với việc tổng kết, định hướng phát triển, bồi đắp cho văn học nghệ thuật, chính sách đối với văn học nghệ thuật thời gian tới. Đó cũng là câu hỏi cấp thiết của thời cuộc khi chúng ta đang chuẩn bị bước đến dấu mốc 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, phát triển; 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới… và hướng tới những chặng đường đến năm 2030, 2045, 2050 với mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, khẳng định vị thế, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.