Hồng Đăng, người đã về với biển

Sáng 21/3, như có linh tính mách bảo, tự nhiên, tôi thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên. "Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?" - bật ra trong vô thức, một câu trong bài hát hay nhất về biển... Thế rồi, chỉ ít phút sau, có người gọi điện báo cho biết: nhạc sĩ của "Biển hát chiều nay" vừa qua đời lúc 5 giờ sáng. Tim tôi thắt lại một nhịp.

Nhạc sĩ Hồng Đăng bên cây đàn piano quen thuộc tại phòng làm việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam hồi tháng 4/1999. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhạc sĩ Hồng Đăng bên cây đàn piano quen thuộc tại phòng làm việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam hồi tháng 4/1999. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Linh tính của tôi đã đúng. Câu hát ấy nhắc tôi nhớ rằng, tôi đã vĩnh viễn không còn được gặp lại một người bạn vong niên mà tôi hằng kính trọng…

Những năm 90 của thế kỷ trước, với cánh làm báo văn hóa nghệ thuật, "sân 51" (tên quen gọi số nhà 51-phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Hội nghệ thuật như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…) là điểm đến thú vị nhất. Ở đó, chúng tôi vừa có được nhiều tin sốt dẻo, vừa dễ được gặp nhiều gương mặt tài hoa, nổi tiếng. Trong đó, các cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Hồng Đăng luôn để lại nhiều thú vị. Thích hơn nữa là khi ra về, thể nào cũng được ông cho một món quà nhỏ. Khi thì cái bút máy, khi thì cái bật lửa, bánh xà-phòng Camay hay dây đeo chìa khóa. Ông đoán rất đúng tâm lý chị em, cứ có quà kỷ niệm là tươi rói. Ông lại hay đùa một cách tinh tế, ý vị. Có lần, sau một mùa thi giọng hát hay mà ông là thành viên Hội đồng chấm giải, tôi hỏi: "Anh chấm cho cô ấy điểm cao về giọng hát hay về nhan sắc?". Nhận ra ý tôi, ông đùa lại: "Chỉ cần nghe hai câu thôi là biết giọng ấy ở thang giá trị nào rồi. Nhưng mình đi chấm thì mình phải tận dụng thời gian để hưởng thụ cái hay, cái đẹp của thí sinh nữa chứ. Hát hay mà đẹp thì dứt điểm là 10, chứ sao lại chín phẩy năm?". Đúng giọng của người dẫn chương trình SV nổi tiếng trên truyền hình dạo đó. Chúng tôi cười rũ rượi.

Tôi luôn nghĩ rằng, phải có bản lĩnh văn hóa thì người ta mới hay đùa, thích đùa và biết đùa. Sau khi ông đã nghỉ hưu, nhà ông cũng là nơi nhiều người muốn được đến chơi, không chỉ vì vợ chồng ông hiếu khách mà vì muốn được nghe ông nói chuyện.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là người gốc Nghệ An, tên thật là Phan Đăng Hồng. Bác ruột của ông là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Thân phụ của ông là cụ Phan Đăng Tài, Phó Chủ tịch lâm thời đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh sau Cách mạng Tháng Tám. Sau khi chuyển ra Hà Nội, cụ Tài làm việc ở phòng Tư liệu, Báo Nhân Dân. Cụ Tài biết nhiều ngoại ngữ, có bút danh dịch giả Phan Hồng Sơn, biết chơi đàn nguyệt, hát được ví, giặm. Ảnh hưởng văn hóa Pháp và sự hào hoa phong nhã, thích âm nhạc từ người cha tài hoa ấy, cộng với sự ham học hỏi, đọc nhiều, nên nhạc sĩ Hồng Đăng có vốn hiểu thâm sâu, am tường nhiều lĩnh vực. Trí thức xưa quan niệm, Văn-Y-Lý-Số có quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng muốn "đi" tới cùng, để hiểu được quy luật trời đất và nhờ vậy, con người ta có thể an nhiên tự tại trước mọi điều xảy ra trong đời... Nhạc sĩ Hồng Đăng là một người như vậy. Ở "sân 51" ấy, có lẽ chẳng ai không mong một lần được ông xem tử vi. Có người còn kinh ngạc thấy những điều xảy ra đúng như dự đoán của ông từ 10 năm trước. Nhưng có lần, ông bảo với tôi: "Tại các cậu không chịu ngẫm kỹ đấy chứ, mình nói là nói điều mình ngẫm về các cậu, không chỉ dựa trên lá số mà trên tính cách, trên thần thái, nét mặt rồi tổng kết lại, chứ mấy người tuổi các cậu mà có giờ sinh, ngày sinh chính xác đâu". Quả là ông có biệt nhãn, đồng thời có kinh nghiệm sống, có tri thức mẫn tuệ mới có thể "đọc được quá khứ, biết được tương lai" của người khác, lại có cách diễn đạt dễ hiểu, để người đó tin vào bản thân hơn, chủ động sống tích cực hơn.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác từ khi mới 20 tuổi. Khi đó, ông đang là học sinh kháng chiến ở Khu IV và chưa qua trường lớp âm nhạc nào. Sau hòa bình lập lại, về Hà Nội, ông mới học lớp sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Sẵn có tư chất, năng khiếu, tài hoa, lại được đào tạo và luôn tự đào tạo, Hồng Đăng nhanh chóng ghi tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông khám phá và tự đặt ra những thử thách với đủ các thể loại âm nhạc: từ ca khúc đến hợp xướng, ca cảnh, nhạc phim, nhạc sân khấu... Nhiều ca khúc trong phim không chỉ làm cho phim thêm hay mà vẫn là ca khúc độc lập, được công chúng yêu thích.

Lúc này đây, tôi vẫn còn nhớ như in ngày từ Bulgaria về nước. Đi xa 5 năm, trở lại, ngồi nghe NSND Thanh Hoa hát: "Em vẫn từng đợi anh. Như hoa từng đợi nắng…", tôi đã khóc... và khóc cả lần nghe Hồng Nhung hát "Lênh đênh": "Có một con đường như đợi một con suối. Có một ngọn gió bay tìm một ngọn núi...Tiếng hát lênh đênh mong một phút bình yên…".

Những câu hát như nói hộ lòng tôi, theo chiều dài thời gian và phận người.

Hồng Đăng, người đã về với biển -0

Nhạc sĩ Hồng Đăng bên gia đình trong ngày nhận Giải thưởng Lớn thuộc hệ thống giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 14, tháng 10/2021. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN - Nguồn: Báo Văn hóa

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022) là tác giả của khoảng 700 sáng tác âm nhạc, với đa dạng thể loại: hợp xướng, ca khúc, ca khúc cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, ông còn viết sách giáo khoa về âm nhạc. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Lớn trong hệ thống Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14.