“Hội tụ sông Hồng” kết nối các miền di sản

Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công…  gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn trong công tác biên tập, dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật.

Tiết mục của đoàn Hà Nam.
Tiết mục của đoàn Hà Nam.

1/Quy tụ hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ của 12 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Kon Tum, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, các chương trình tham gia Hội diễn mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

Hà Nam mở màn Hội diễn với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Âm vang sông Hồng - Hà Nam hội tụ” có giai điệu dân ca Hà Nam, dân ca vùng ngã ba sông Móng, có hình ảnh lụa Nha Xá, bánh đa làng Chều. An Giang chọn chủ đề “Về nơi cuối nguồn Mê Công” với điệu hò đặc trưng miền Tây Nam Bộ, với điệu múa gáo dừa lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển. Thái Nguyên chọn chủ đề “Về nơi căn cứ địa Việt Bắc”. “Thăng Long Hà Nội - Khát vọng vươn cao” là chủ đề đoàn nghệ thuật Hà Nội lựa chọn. Các liền anh, liền chị quê hương Bắc Ninh với nón quai thao, áo tứ thân mớ ba mớ bảy đã thể hiện chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu Kinh Bắc”. Đoàn nghệ thuật Hải Phòng tham gia với chương trình “Hải Phòng - Thênh thang đường mới”. “Thanh âm từ cột mốc ba biên” là chủ đề của đoàn Kon Tum đã gợi nên hình ảnh mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những bộ trang phục thổ cẩm, vò rượu cần, âm thanh trầm bổng, vang vọng của tiếng cồng chiêng...

2/Hội diễn cho thấy hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại, cùng một đội ngũ nghệ sĩ tài năng, không ít gương mặt trẻ triển vọng. Mỗi chương trình mang một màu sắc, dấu ấn riêng nhằm giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, nét đẹp trong lao động sản xuất, sự hình thành và phát triển của mỗi vùng quê. Chính “điểm nhấn bản sắc” đó đã tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của từng chương trình. Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Văn hóa cơ sở, Trưởng ban Giám khảo cho biết: Năm 2008, cũng tại Hà Nam, Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” được tổ chức lần đầu. Vì nhiều lý do nên phải sau 14 năm hội diễn mới được tổ chức lại. Để khán giả được tiếp cận, thưởng thức phong phú, đa dạng các loại hình nghệ thuật, Ban tổ chức đã mời các tỉnh, thành phố ngoài khu vực tham gia. Ưu điểm nổi bật của hội diễn năm nay là sự đầu tư dàn dựng, chất lượng nghệ thuật trong từng tiết mục; sự kết hợp kỹ thuật, kỹ xảo độc đáo, hài hòa, sự đa đạng, phong phú giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn hóa vùng đặc trưng với văn hóa các vùng miền của cả nước.

Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đánh giá: “Hội diễn không chỉ để đánh giá chất lượng nghệ thuật vùng đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố trong nước mà còn là dịp để ngành văn hóa nhìn nhận thực trạng phát triển, từ đó có những quyết sách “tiếp lửa” cho nghệ thuật được nuôi dưỡng đủ đầy và chảy mãi trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Qua đó, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương”.

Kết quả, về giải chương trình, Ban tổ chức đã trao 8 Huy chương vàng cho các đoàn: An Giang, Kon Tum, Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam; 4 Huy chương bạc cho các đoàn: Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hải Phòng. 20 tiết mục xuất sắc nhất Hội diễn được trao Huy chương vàng, 24 tiết mục nhận Huy chương bạc.

Các đoàn còn được tham quan nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nam như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, chùa Bà Đanh, đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc…