Hỗ trợ, nâng cao năng lực của các chủ thể

Trả lời Nhân Dân cuối tuần, ông Phương Đình Anh (ảnh bên), Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết, cần nhiều chính sách giúp tiêu thụ sản phẩm OCOP, khai thác tốt tiềm năng của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ, nâng cao năng lực của các chủ thể

- Thưa ông, sau bốn năm triển khai, bên cạnh sự hào hứng, tích cực của nhiều chủ thể kinh tế, hiện vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm việc tham gia Chương trình OCOP. Thực tế đó cho thấy điều gì?

- Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, đặc biệt là các bài học thành công ở cấp địa phương. Cụ thể tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Sóc Trăng… đã có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, đến hoạt động tuyên truyền, nâng cao năng lực. Các tỉnh này cũng mạnh dạn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo được sự quan tâm, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Trong quá trình thực hiện, chúng ta thấy sự sáng tạo của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm, thúc đẩy thị trường như sản phẩm dừa của Bến Tre, sen của Đồng Tháp, trà của Hà Giang…

Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm trên, tôi cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm thu hút, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, cụ thể là: Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy của các cán bộ, cơ quan quản lý Chương trình OCOP trong quá trình triển khai. Cần truyền tải, tạo động lực, nhiệt huyết, niềm tự hào của mỗi chủ thể về sản phẩm, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp theo là hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao giá trị về văn hóa, từng bước hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với mỗi sản phẩm. Từ đó, tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn...

- Liệu có hay không hiện tượng chạy theo thành tích, theo phong trào, ảnh hưởng đến mục tiêu tích cực của Chương trình, thưa ông?

- Trên thực tế, trong giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Do đó, ở một số nơi, có tình trạng chú trọng vào số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, hỗ trợ năng lực của chủ thể OCOP để phát huy lợi thế và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bước sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình đã đặt ra các yêu cầu rất rõ ràng làm định hướng tiếp cận trong quá trình triển khai, đó là: phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Cụ thể, các sản phẩm phải cạnh tranh trên thị trường bằng lợi thế về đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, văn hóa và tri thức bản địa… Việc công nhận và gắn sao sản phẩm là một quá trình vất vả và khắt khe, và giữ được chất lượng theo "sao" đã công nhận càng khó khăn hơn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm sau khi được công nhận có hiện tượng suy giảm về chất lượng và "tụt" tiêu chí đã phải thu hồi để đánh giá lại.

- Với người dân, quan trọng nhất là sản phẩm làm ra được tiêu thụ. Chương trình đã có những giải pháp nào để kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm, hỗ trợ về đầu ra cho người sản xuất?

- Trên cơ sở những kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP xác định một số giải pháp cụ thể về kết nối, thúc đẩy cung-cầu sản phẩm.

Thứ nhất, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm đặc sắc, lấy văn hóa là cơ sở, động lực để hình thành và tiếp cận thị trường, thông qua các câu chuyện sản phẩm, hình thành quà tặng đặc trưng gắn với lợi thế vùng miền, địa phương.

Thứ hai, tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể (quản trị, tổ chức sản xuất và marketing...), đặc biệt là hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay, có đến 64,6% số chủ thể là các hợp tác xã và doanh nghiệp. Đây là những chủ thể đóng vai trò thúc đẩy sự chủ động và kết nối giữa sản xuất và thị trường, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún.

Thứ ba, xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua các hội chợ, diễn đàn, sự kiện quảng bá…

Thêm nữa là xây dựng Trung tâm OCOP quốc gia, các trung tâm OCOP cấp vùng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đặc biệt các điểm đến sản phẩm Việt Nam gắn với các đô thị, khu du lịch, đồng thời phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại sản phẩm gắn với thương mại hiện đại để đa dạng hóa và khai thác hết tiềm năng, giá trị của sản phẩm trên thị trường.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!