Hiểu thân mật hơn về “ông già Nam Bộ”

Tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ phát hành hai cuốn sách chung chủ đề: “Nhà văn Sơn Nam những góc đời riêng lạ”-xoay quanh những chuyện đời riêng chưa từng công bố của ông và “Sơn Nam - Đi và ghi nhớ”, tập hợp những bài viết của ông trên tạp chí Xưa&Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Hiểu thân mật hơn về “ông già Nam Bộ”

Cuốn “Nhà văn Sơn Nam những góc đời riêng lạ” thu hút độc giả bằng những câu chuyện đời thường của ông, được con gái và các nhà văn, nhà báo khác tái hiện sinh động. Ông vốn được nhiều người biết đến với tài năng và tầm vóc lớn lao trong nhiều lĩnh vực liên quan đến chữ nghĩa: viết văn, viết báo, khảo cứu về Nam Bộ… Ông hiện lên trong mắt bạn đọc là một nhà văn bình dân, gắn bó với đất và người Nam Bộ, hiểu văn hóa Nam Bộ như máu thịt. Di sản của ông để lại cho đời là những cuốn sách, hàng trăm bài báo, những công trình khảo cứu văn hóa vô cùng giá trị.

Nhiều mẩu chuyện trong sách được con gái lớn của ông viết ra và chia sẻ trên mạng xã hội đều đặn vào mỗi kỳ giỗ của ông. Cố nhà văn hiện lên trong trí nhớ của chị thật gần gũi nhưng lại mang đến một góc nhìn rất lạ cho người đọc. Như việc ông là người nổi tiếng nhưng trong mắt ba mẹ mình, ông chỉ là một kẻ “lưu linh lưu địa”, “nổi tiếng cái gì mà trong túi hông có đồng xu!”. Có lẽ vì cái tính thích tự do rong ruổi, vì nghề nghiệp, ông không thể ở nhà thường xuyên với vợ con. Nhưng ông vẫn là một người ba lấy tình thương con cái làm đầu. Như lúc vợ sinh thì ông về nhà, tự mình lội bộ đi mua thúng than đội về cho vợ nằm than ở cữ. Nhà thiếu thốn thứ gì, đơn cử như hết nước mắm, ông cũng tự mình đi mua, còn không ngần ngại phụ việc nhà cho vợ, không la rầy khi con làm đổ gạo. Ông cũng là một người ba lý tưởng khi đi đâu cũng cõng con gái theo mình, đi la cà, đi chơi, đi “ăn ké”…

Cuộc đời của ông, bên cạnh nghiệp viết thì có lẽ chỉ xoay quanh chuyện tiền bạc. “Mà nghèo thiệt! Những món đồ ông già đem về cho tụi tôi mua thì ít mà toàn là trả góp! Cuộc đời ông già gắn liền với chữ xin đồ cũ, vay, mượn và trả góp!”. Vậy nhưng, đó là một người ba cực kỳ giàu tình thương. Ông chưa để con mình phải thiếu thốn. Ông không sống gần gia đình, nhưng chính lối quảng giao rộng và sự đối đãi tử tế với bạn bè mà sau này con gái ông nhận được sự giúp đỡ, cưu mang của rất nhiều người bạn tốt của ba.

Trong trí nhớ của bạn viết, ông hiện lên là một người tinh tế, có óc phán đoán nhạy bén và cũng thật gần gũi, khiêm nhường (nhà văn Ngô Khắc Tài). Ông cũng là người dạy nhà văn Lý Lan bài học “yêu nước” sao cho dễ hiểu nhất… Nhiều khía cạnh rất hay, lạ, độc đáo của cố nhà văn được khai mở giúp người đọc hiểu thêm về “ông già Nam Bộ” chất phác này.