Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

Hạt nhân là nguồn lực trẻ

NDO -

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai đang được khơi thông bằng nhiều nguồn lực, nổi bật là vai trò nòng cốt của lớp trẻ. Câu chuyện ở xã Gla (huyện Đắc Đoa) và xã Yang Bắc (huyện Đắc Pơ) thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) cho thấy, khi tuổi trẻ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm bằng niềm khát khao thay đổi diện mạo quê hương, đưa Tây Nguyên phát triển giàu đẹp hơn, thì không khó khăn nào ngăn cản nổi.

Hơn bốn km đường làng Dơk Rơng đã được nhựa hóa nhờ sự chung tay của đoàn viên thanh niên.
Hơn bốn km đường làng Dơk Rơng đã được nhựa hóa nhờ sự chung tay của đoàn viên thanh niên.

Sức mạnh nội lực

Càng ngày người dân làng Dơk Rơng, xã Gla, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai càng hiểu rõ một thực tế là giao thông tới đâu làm giàu tới đó, bởi vậy mà ai cũng mong muốn có những con đường liên xã, nhất là một con đường nhựa nối liền làng với trung tâm để vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện. Chuyện làm đường tưởng như rất dễ, vì Nhà nước cấp phần lớn kinh phí, người dân chỉ cần đối ứng khoảng 100 triệu đồng mỗi năm, nhưng khó khăn nảy sinh khi người dân nơi đây hầu như chỉ có của ăn mà không có của để, nên không thể quyên góp số tiền này.

Sau nhiều ngày trăn trở, bàn bạc, đoàn viên thanh niên trong thôn thống nhất: không có tiền, nhưng họ có sức trẻ. Ý tưởng biến sức trẻ thành "vốn đối ứng" xây dựng đường giao thông, xây dựng nông thôn mới được đưa ra và triển khai ngay nên nhanh chóng đem lại hiệu quả thiết thực. Sau hơn bốn năm vận động, triển khai, hàng chục km đường làng đã hoàn thành trải nhựa, bê-tông phẳng lỳ.

Anh Rơ Châm Lók, Phó Bí thư Huyện đoàn Ia Grai chia sẻ: Thanh niên làng mình trước đây không có tiền, không biết làm gì nhưng khi sức trẻ và ý chí vươn lên được phát huy, rất nhiều ý tưởng sáng tạo được đưa ra. Và cũng từ đó, nhiều mô hình hay được áp dụng và đã thành công. Có người từ số vốn vài triệu, nay đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như mô hình VAC của Bùi Hữu Minh, Nguyễn Văn Tâm, Trần Ngọc Thanh, Thom...

"Vui hơn, khi chính quyền địa phương, bà con trong buôn làng hỗ trợ cho Đoàn thanh niên một héc-ta đất để làm cà-phê. Thanh niên cũng hết sức chăm lo, làm cho vườn cà-phê tươi tốt, được mùa. Có được nguồn thu nhập ổn định, họ lại góp quỹ để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như cùng chính quyền xây dựng buôn làng ngày càng khang trang hơn..." - anh Rơ Châm Lók cho biết thêm.

Nhân rộng mô hình

Cùng với thời gian, vai trò của đoàn viên thanh niên càng được khẳng định rõ nét trong xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực như: xây dựng quy hoạch, đóng góp hàng nghìn ngày công trong các công trình công cộng, hiến đất xây trường học và đường giao thông nông thôn... Bằng những sáng tạo, thiết thực và hiệu quả ấy, nhiều mô hình hoạt động của thanh niên Dơk Rơng nhanh chóng được học tập và nhân rộng. Toàn xã Gla hiện đã có năm ngôi làng thành lập mô hình vườn thanh niên và triển khai kiên cố hóa đường giao thông. Cũng từ đó, có hơn bảy km đường giao thông trong xã Gla được nhựa hóa, bê-tông hóa nhờ công sức của thanh niên.

Cũng với tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên làng Jun, xã Yăng Bắc, huyện Đắc Pơ có cách đóng góp riêng trong xây dựng nông thôn mới bằng mô hình "vườn thanh niên đầy hiệu quả và thiết thực". Khu vườn này, từ bốn ha đất hoang, sau khi thấm mồ hôi của tuổi trẻ, đã đem lại cho chi đoàn thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sau khi xong việc vườn, việc nhà, các bạn còn tổ chức đi làm thêm ở bên ngoài để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Kết quả, mỗi năm chi đoàn làng Jun có thu nhập gần 200 triệu đồng, trở thành chi đoàn giàu nhất, nhì tỉnh Gia Lai.

Không chỉ riêng về kinh tế, thanh niên làng Jun còn dẫn đầu trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bằng cách trích quỹ 50 triệu đồng để mua hai bộ cồng chiêng cổ, hằng ngày say sưa luyện tập. Năm nay, chi đoàn sẽ trích thêm 50 triệu đồng nữa để sửa sang lại nhà Rông truyền thống.

Có được kết quả đó, chính là nhờ sức trẻ và sự đồng hành của nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ giúp cho đời sống của mỗi gia đình khấm khá hơn. Anh Rơ Mah Thom-làng Yam, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) là một trong những thanh niên đầu tiên của làng Yam dám vay tiền Nhà nước để làm ăn. "Đất đai mình còn nhiều, mình có sức trẻ, lại được tạo điều kiện cho vay vốn, sợ gì mà không làm". Nghĩ vậy, Thom làm đơn xin vay năm triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện xây chuồng nuôi heo và mua 10 con heo nhỏ từ một người trong làng. Lứa heo đầu tiên đã thắng lớn, anh bán được hơn 20 triệu đồng...

"Đợt sau mình vay tiếp mua máy xát lúa, trồng thêm ba ha mì, hai sào lúa... mới có tiền nuôi hai đứa nhỏ đi học và đóng góp cùng bà con để xây dựng làng Yam ngày càng giàu đẹp và phát triển" - Thom sôi nổi cho biết.

Xác định rõ vai trò tiên phong trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, thanh niên Gia Lai còn chủ động đóng góp ý kiến vào quy hoạch và trực tiếp bỏ công sức tham gia, thậm chí hiến đất, góp tiền của xây trường học và đường giao thông nông thôn... Cuộc vận động "Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới" do tỉnh đoàn Gia Lai phát động được thực hiện theo hướng rõ việc, rõ mô hình. Sau hai năm triển khai, hàng chục nghìn lượt thanh niên toàn tỉnh đã thực hiện hàng nghìn công trình dân sinh, với trị giá gần bốn tỷ đồng. Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Đoàn thanh niên các cấp phối hợp với các chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh tiến hành cho vay vốn hơn 12 nghìn lượt hộ thanh niên sản xuất với tổng dư nợ đến nay là hơn 200 tỷ đồng...

Anh Võ Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai khẳng định: Gia Lai đã và đang cùng cả nước chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới "vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách".

Trong chương trình hành động tới đây, chúng tôi tiếp tục xác định mục tiêu tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sâu rộng hơn, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày một khang trang, giàu đẹp.