Cuốn sổ bất ly thân
Lật giở từng trang trong cuốn sổ ghi thông tin mộ liệt sĩ mà nhân dân, cựu chiến binh trong nước cung cấp, Đại tá Hán Văn Hùng nặng trĩu nỗi ưu tư. Trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của người lính mấy chục năm quân ngũ, ánh mắt anh toát lên vẻ cương nghị. Dừng tay trước trang giấy sờn góc, Đại tá Hán Văn Hùng khẽ nói: “Thông tin này ghi rất chi tiết, có địa chỉ rõ ràng mà chúng tôi tìm chưa thấy. Đã mấy chuyến liền anh em đi không rồi lại về không… Và chúng tôi, như người có lỗi!”. Đưa chúng tôi xem cuốn sổ thông tin, Đại tá Hán Văn Hùng nói tiếp: “Kể từ năm 1994 đến nay, tôi là người thứ tư tiếp quản nhiệm vụ Đội trưởng và cũng là người thứ tư có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản cuốn sổ này. Ở trong đó có hàng nghìn thông tin về mộ liệt sĩ Việt Nam ở sáu tỉnh Bắc Lào do cán bộ, nhân dân và cựu chiến binh trong cả nước cung cấp; với tôi, đây là vật bất ly thân. Đi đâu, làm gì tôi cũng đem theo bởi dù chỉ còn một thông tin, chúng tôi sẽ vẫn đi tìm”.
![]() |
Thành lập tháng 6-1994, Đội TK-QTHCLS của Quân khu 2 ngày đầu chỉ có 20 cán bộ, nhân viên được điều động từ nhiều bộ phận, đơn vị khác về nhưng tịnh không ai được “đào tạo bài bản” về chuyên ngành tìm kiếm, cất bốc hài cốt. Địa bàn tìm kiếm rộng, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán với nhân dân các tỉnh: U Đom Xay, Luông Pra Băng, Xay Nha Bu Ly, Bò Kẹo, Luông Nậm Thà và Phong Sa Ly, là khó khăn không nhỏ. Vậy nhưng, với quyết tâm, tấm lòng của người lính; bằng vào mong ước trả nghĩa với thế hệ cha anh và sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của cán bộ, nhân dân các bộ tộc Lào mà 25 năm qua, cán bộ, nhân viên Đội TK-QTHCLS đã tìm kiếm, cất bốc 1.825 mộ liệt sĩ, đưa các anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ linh thiêng.
Trong niềm rưng rưng xúc động, Trung tá Nguyễn Văn Chuyền - người có thời gian công tác ở đội lâu nhất và cũng là người tham gia tìm kiếm, cất bốc nhiều hài cốt liệt sĩ nhất (hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ), kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày cùng anh em trong Đội làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại U Đom Xay. Chuyến đi ấy cách đây đã gần chục năm nhưng anh Chuyền vẫn nhớ như in những gương mặt còn rất trẻ đẫm mồ hôi khi vượt đỉnh cao rà phá bom mìn của những chiến sĩ bảo vệ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh U Đom Xay; nhớ ánh mắt ấm áp và giọng nói chí tình của Thiếu tướng Chăn Tha Von, khi anh nói rằng, anh vô cùng trân trọng tình cảm Việt - Lào, nên làm hết mình để đưa các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào được trở về quê hương, đoàn tụ với đồng đội, với gia đình.
Mới đây nhất, trong Lễ truy điệu, an táng 25 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức, tôi có dịp gặp Thiếu tướng Chăn Tha Von, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh U Đom Xay. Khi được hỏi về sự hỗ trợ, giúp đỡ của các anh đã dành cho Đội TK-QTHCLS trong quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ lần này, thì anh cười rất hiền và bảo: “Có gì đâu mà kể việc kể công. Nhân dân các bộ tộc Lào luôn biết ơn những người đi trước, biết ơn những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình của hai dân tộc. Làm được gì để giúp đỡ các Đội TK-QTHCLS Quân khu 2 của Việt Nam, chúng tôi đều cố gắng trong khả năng cao nhất”.
![]() |
Cán bộ, nhân dân tỉnh U Đom Xay cùng Đội TK-QTHCLS Quân khu 2 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Lời tâm sự đầy nhiệt thành của Thiếu tướng Chăn Tha Von khiến chúng tôi nhớ câu chuyện mà Thượng úy Phí Ngọc Tiến, thành viên Đội TK-QTHCLS Quân khu 2 đã kể khi anh cùng đồng đội đi tìm kiếm, cất bốc một mộ tập thể gồm tám hài cốt tại tỉnh U Đom Xay.
Đó là một ngày đầu tháng 3-2018, khi tiếp nhận thông tin về một hang có hài cốt liệt sĩ Việt Nam ở huyện Mường Ngà, Thượng úy Phí Ngọc Tiến và năm anh em khác lập tức lên đường. Vì địa bàn phát hiện phần mộ ở trên núi cao, rừng rậm nên quá trình di chuyển của anh em hết sức khó khăn. Người dẫn đường là cụ ông tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ không rõ ràng nên quá trình đi tìm phần mộ vô cùng vất vả.
Sau hơn chục ngày kiên nhẫn tìm kiếm, anh em trong Đội đã khoanh vùng, xác định được địa bàn cụ thể, đó là một cái hang nhỏ cách mặt đất gần 20 m, cửa hang chỉ vừa một con thú nhỏ đi qua… Tìm đủ mọi cách trèo đến cửa hang và khi ấy, cả tổ tìm kiếm đều không kìm được xúc động. Ngay cửa hang, một bộ hài cốt ở trong quần áo còn khá nguyên vẹn; lui vào phía trong là mấy di hài xếp chồng lên nhau. Thở phào vì chuyến đi có kết quả nhưng đường về anh em trong đội mang nặng nỗi ưu tư. “Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ nhưng tôi chắc là đều chung sự kính trọng và thương cảm. Bởi ngày xưa ra đi các anh mới mười tám đôi mươi, trai tráng là vậy nhưng nay trở về, bốn người ở chung một ba-lô mà vẫn rộng!” - Thượng úy Phí Ngọc Tiến nói như thế trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Quanh việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mà các anh đã, đang và vẫn còn làm, Đại tá Hán Văn Hùng chia sẻ: Trường hợp gặp những di hài chưa phân hủy (dân gian gọi là mộ kết), nếu gần điểm dân cư, các anh đắp lại mộ chờ vài năm sau quy tập, còn không vẫn phải cất bốc rồi tiếp tục hỏa táng. Tại bản Mường Ngà (tỉnh U Đom Xay), có phần mộ của một chiến sĩ quân tình nguyện hy sinh cuối năm 1972. Lúc vạch tấm tăng bọc thi hài ra, toàn bộ anh em trong tổ quy tập bật khóc khi thấy nằm dưới đất hơn 40 năm mà liệt sĩ cứ như... đang ngủ; trong bộ quân phục mầu cỏ úa, vết máu còn hồng trên ngực người chiến sĩ vô danh. Đa số trường hợp do an táng lâu năm nên trong mộ chỉ còn những di vật như: Súng đạn, giày dép, bình tông, bát sắt, gương, lược... đủ để chứng minh đó là hài cốt quân tình nguyện Việt Nam. Gặp những trường hợp như thế, anh em trong đội vừa làm vừa gạt nước mắt, bảo nhau cố gắng bóc thật nhiều lớp đất đen mà họ đinh ninh rằng di cốt liệt sĩ đã hóa thân vào đó.
Đưa các anh về đất mẹ
Những tưởng việc tìm kiếm, cất bốc đã là gian truân vất vả, nhưng nhiệm vụ chuyển hài cốt về nước sao cho an toàn cũng hết sức quan trọng. Từ những khe núi lòng thung nơi thâm sơn cùng cốc xa nhà lạ cảnh, các anh gùi hài cốt trên lưng cùng với tư trang, dụng cụ đạp rừng qua nhiều ngày để ra được nơi tập kết như đã hẹn. Có lần vượt sông Nậm U, một cán bộ trong đoàn không may bị lũ cuốn đi. Trong lúc vật lộn giữa dòng nước xiết, anh kiên quyết giữ bằng được chiếc ba-lô đựng hai bộ hài cốt, mặc dù hành lý cá nhân đành vất bỏ cho nhẹ người. Dọc đường quay về, những đêm mắc màn ngủ trong rừng do lỡ độ đường, các anh ôm ba-lô hài cốt vào lòng như ôm những người đồng đội trong chiến hào đợi giặc...
Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Đội TK-QTHCLS Quân khu 2, tôi nghe họ nhắc nhiều đến gia đình bác Chăn Thi trú ở bản Huổi Ít, huyện Pạc U tỉnh Luông Pra Băng đã tạo điều kiện chỗ ăn nghỉ và dẫn đường đoàn công tác tìm kiếm được hai mộ liệt sĩ từ tháng 3-2018; gia đình bác Khăm Ngà, chị Xẻng La ở bản Noong Men Đa, huyện Mường Xài tỉnh U Đom Xay đã tạo điều kiện giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong những năm tháng đơn vị gặp khó khăn. Sẵn sàng dẫn đường đưa anh em trong đội đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, gia đình bác Chăn Thi còn dành cả số lương thực ít ỏi của gia đình tiếp tế cho anh em trong rừng sâu. Trên đường đưa anh em trong đội đi tìm kiếm, bác Chăn Thi còn giải thích để bà con các bản vùng cao hiểu được đóng góp của bộ đội Việt Nam trong những năm qua, rồi bác động viên nhân dân Lào ở các bản vùng cao hãy sẵn lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam về con người và phương tiện. Nhờ có sự động viên, khích lệ của bác Chăn Thi mà anh Khăm Xẻn trú ở huyện Mường Ngà tỉnh U Đom Xay, đã nhiệt tình dẫn đường cho đội đến hang núi đá Lát Hán tìm kiếm cất bốc được tám hài cốt liệt sĩ cùng với nhiều di vật.
Mấy chục năm qua trên đất nước bạn xa xôi cách trở, những chuyến đi luồn rừng cả tuần dưới cái nắng chang chang không thể làm chùn bước người lính Quân khu 2. Hành trang các anh mang theo chỉ là một chiếc ô-tô chuyên dụng cùng mấy tấm sơ đồ mộ chí, cuốc xẻng, nhang nến, vải liệm và đôi tay cần mẫn vạch lá tìm đường, tỉ mẩn bóp từng viên đất để tìm những mảnh xương dù rất nhỏ nhoi. Và tôi hiểu, mỗi hành trình các anh đi không đơn thuần là tìm hài cốt người ngã xuống mà cao hơn cả chính là sự “trả nợ non sông”, tri ân các thế hệ cha anh vì chí trai mà “ra đi từ đó không về”...