Hành trình nước rút hướng đến net zero

Việt Nam là một trong những quốc gia đã cam kết sẽ đưa mức phát thải về 0 (Net Zero) vào giữa thế kỷ này. Các chương trình hành động ứng phó biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng trong các chính sách. Điều này vừa tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng, song cũng là cơ hội mở ra những sáng kiến, lĩnh vực kinh doanh mới.
0:00 / 0:00
0:00
Gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách cải tiến và thay thế thiết bị trong quy trình sản xuất. Ảnh: Như Khôi
Gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách cải tiến và thay thế thiết bị trong quy trình sản xuất. Ảnh: Như Khôi

Để đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 888/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022, phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26. Trước đó, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hai quyết định được ban hành cho thấy hành động ứng phó biến đổi khí hậu, và theo đuổi nền kinh tế xanh đã, đang và sẽ là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ.

Mở ra nhiều thị trường mới

Mới đây, hội thảo chuyên đề "Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng 0", trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (DCC-MONRE) tổ chức. Tại đây, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải carbon, hướng tới sản xuất-tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Ngoài ra, tăng cường hợp tác công-tư, kết nối hiệu quả nguồn lực của các bên liên quan là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để rút ngắn hành trình đến mục tiêu Net Zero. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ, đến nay, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hành động chống biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên, dự án Khu công nghiệp bền vững…, đồng thời phát triển các chỉ số về kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và sản xuất có trách nhiệm trong Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) được công bố và ứng dụng trong đánh giá doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam hằng năm.

Với việc phát triển hướng theo nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia nhiều thị trường mới, như cung cấp các sản phẩm xanh thân thiện môi trường, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, việc làm xanh, thị trường carbon… Bởi vì, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc các doanh nghiệp sử dụng loại hình năng lượng cũng như nguyên vật liệu nào để tạo ra các sản phẩm dịch vụ có liên quan và tác động mạnh mẽ đến môi trường và mục tiêu giảm phát thải. Những nguồn năng lượng, nguyên vật liệu mà doanh nghiệp sử dụng có thể là nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, thay đổi nhận thức về môi trường cũng như tư duy kinh doanh xanh sẽ mang lại giá trị lớn cho chính các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Thêm nữa, những doanh nghiệp tiên phong sẽ hưởng nhiều lợi thế từ việc kịp thời nắm bắt sự thay đổi trong các quy định pháp luật, từ việc định vị doanh nghiệp là một thương hiệu xanh phù hợp nhận thức và tư duy tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng, và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ mới và thâm nhập thị trường mới

Không để doanh nghiệp nhỏ và vừa lại phía sau

Lĩnh vực nông nghiệp đang đi tiên phong trong áp dụng chuyển đổi sản xuất theo mô hình kinh tế xanh. Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ Nông nghiệp của Nestlé Việt Nam cho biết, trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan đã thực hiện cam kết và hành động chống biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tái sinh, hướng đến mục tiêu giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2025, giảm một nửa lượng phát thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kết quả sau gần 12 năm, Chương trình NESCAFÉ Plan đã tập huấn cho 330.000 hộ các kiến thức về canh tác cà-phê bền vững, phân phát hơn 63,5 triệu cây giống kháng bệnh, chống hạn và năng suất cao giúp nông dân tái canh hơn 63.000ha cà-phê già cỗi, tưới tiết kiệm nước giúp giảm lượng nước tưới từ 40-60%, giảm lượng phân bón hóa học hơn 20%, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tiến đến không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giới thiệu mô hình trồng xen hợp lý giúp nông dân tăng thu nhập từ 35%-100%.

Tương tự, như chia sẻ của bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam: "Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE trong chuỗi giá trị, lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp chúng tôi đạt mục tiêu không rác thải chôn lấp tại tất cả sáu nhà máy, 52% năng lượng tái tạo. Với kết quả này, chúng tôi đã đi được nửa chặng đường trên hành trình hướng tới tham vọng phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất".

Tuy nhiên, để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, giới chuyên gia khuyến nghị, cần có những cơ chế, chính sách để cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nâng cao khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến cũng như các mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích nhằm gia tăng tính kết nối vào các hoạt động thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, cần tạo được nguồn tài chính xanh dành cho các hoạt động hướng tới kinh doanh bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện nay, các quy định kỹ thuật cũng như các tài liệu hướng dẫn chi tiết về kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện. Quá trình xây dựng chính sách cần tính đến việc tạo cơ chế để doanh nghiệp bảo đảm sự cân bằng và phát triển trong quá trình thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính.

Nhìn rộng ra thế giới, các giải pháp kinh tế xanh đang được nhiều quốc gia thực hiện mạnh mẽ, điều này cũng sẽ tác động đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói riêng. Là một quốc gia có nhiều lợi thế trong chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, nền kinh tế xanh, quyết tâm cao từ Chính phủ đang được lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.