Hành trình của một người di cư Gambia

Amadou Jobe, giống nhiều người Gambia khác, bắt đầu một cuộc hành trình đầy nguy hiểm qua Bắc Phi, nỗ lực để đến châu Âu, song thất bại. Giờ đây, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Amadou Jobe bắt đầu khởi nghiệp từ con số 0 để có thể nuôi sống bản thân và gia đình ở quê nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Amadou Jobe đã tìm được một công việc tại Gambia sau hành trình thất bại tới châu Âu. Ảnh: UNITEDNATION
Amadou Jobe đã tìm được một công việc tại Gambia sau hành trình thất bại tới châu Âu. Ảnh: UNITEDNATION

Con đường chông gai đến châu Âu

Theo trang tin tức của Liên hợp quốc UN News, Amadou Jobe đến từ Jarra, một vùng nông thôn ở Vùng hạ lưu sông Gambia, miền trung của đất nước. Năm 15 tuổi, Amadou Jobe chuyển đến Thủ đô Banjul để sống với anh trai và học trung học tại đó. Tuy nhiên, chàng trai đã không thể tốt nghiệp trung học vì không đủ khả năng chi trả học phí.

Khoảng 5 năm trước, ở tuổi 20, bạn bè khuyến khích Amadou Jobe rời Gambia. Amadou Jobe và bạn bè cùng trang lứa đã nghe nhiều câu chuyện về những người rời đi và trở nên thành công ở châu Âu, kiếm được nhiều tiền để gửi về cho gia đình họ ở quê nhà Gambia.

Amadou Jobe sau đó quyết định sẽ đến Italy, vì anh nghĩ rằng, đây là quốc gia châu Âu dễ đến nhất. Dù biết rằng, nhiều người đã chết khi cố gắng đến châu Âu, nhưng Amadou Jobe vẫn tin rằng, mình có thể làm được. Và thế là hành trình đầy chông gai tìm tới châu Âu bắt đầu.

Bước đầu tiên, Amadou Jobe sang nước láng giềng Senegal, từ đó bắt xe bus đến Mauritania. Amadou Jobe ở đó với anh rể trong 5 tháng, làm công việc xây dựng và bất cứ việc gì có thể, để kiếm đủ tiền cho chặng tiếp theo của cuộc hành trình.

Từ Mauritania, Amadou Jobe đến Mali. Đây là một hành trình xe bus rất dài và mất khoảng 12 giờ đồng hồ để đến Thủ đô Bamako. Có nhiều người Gambia khác cùng đi trên xe bus. Sau đó, đoàn người di cư đến được Agadez, ở miền trung Niger, qua Burkina Faso. Ở mỗi chặng đường, Amadou Jobe và những người đồng hành phải trả thêm tiền để được phép tiếp tục di chuyển. Mọi người cảm thấy nguy hiểm rình rập, nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn để quay lại.

Khoảng 25 người di cư trong đoàn Amadou Jobe ngồi trong một chiếc xe bán tải mui trần, chạy qua sa mạc, không có bóng râm. Xe chạy liên tục trong ba ngày và đoàn phải ngủ trong sa mạc. Vào ban đêm, trời rất lạnh, những người di cư buộc phải mua chăn và áo khoác để giữ ấm.

Theo lời kể của Amadou Jobe, đôi khi những người lái xe là những người tử tế, nhưng cũng có những người rất hà khắc, thậm chí đánh hành khách. Khi đến Libya, đoàn người di cư đã bị đánh đập bởi những kẻ có súng và chúng lấy hết tất cả số tiền họ mang theo.

Chặng tiếp theo của cuộc hành trình là đến Sabhā, miền trung Libya. Vì không có tiền, Amadou Jobe đã phải ở lại Sabhā trong bốn tháng, tìm việc làm để trả tiền vé đến Tripoli. Khi đi từ Sabhā đến Tripoli, Amadou Jobe phải rất thận trọng, bởi nếu bị phát hiện, anh có thể bị giết tại một đất nước vẫn chìm trong nội chiến với rất nhiều nguy hiểm rình rập. Có thời điểm, Amadou Jobe đã phải trốn trong một căn phòng tối trong ba ngày. Amadou Jobe tiếp tục phải đợi hơn một năm ở Tripoli trước khi có thể đến bờ biển và đi thuyền đến Italy. Một trong những người anh em của Amadou Jobe đã chi một khoản tiền lớn để Amadou Jobe có được một chỗ trên thuyền.

Tuy nhiên, ngay trước khi thuyền ra khơi, những tiếng súng vang lên và cả đoàn người di cư nhanh chóng nhận ra rằng, nước đang tràn vào thuyền của họ. Amadou Jobe kể rằng, anh đã nhìn thấy những người có vũ trang bắn vào thuyền. Những người này không muốn cho đoàn rời đi châu Âu, nên đã nổ súng và dường như không quan tâm đến việc có ai trong đoàn có thể chết đuối hay không. Lựa chọn duy nhất của những người di cư lúc này là quay trở lại bờ biển Libya và khi thuyền đã chìm trong nước, họ phải bơi vào bờ.

Khi vừa bơi vào đến bờ biển, đoàn người di cư bị đưa đến một trung tâm giam giữ và bị đánh đập. Những kẻ có vũ trang yêu cầu tất cả mọi người đưa tiền, nhưng lúc này những người di cư không còn gì giá trị cả. Amadou Jobe đã phải ở trại tạm giam hai tháng trong điều kiện hà khắc và mất vệ sinh. Điện thoại của họ bị lấy đi nên tất cả mọi người không thể liên lạc với gia đình. Nhiều gia đình đã nghĩ rằng người thân của họ đã chết trong hành trình tìm đến châu Âu.

Khởi nghiệp từ con số 0

Cuối cùng, các nhân viên của Liên hợp quốc đã đến trung tâm, nơi Amadou Jobe và những người đồng hành của mình bị giam giữ. Người của Liên hợp quốc cung cấp cho đoàn di cư quần áo và một số thức ăn và đề nghị họ tự nguyện bay trở lại Gambia. Amadou Jobe rất buồn vì đã mất tất cả và sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Chàng trai trẻ thật sự không muốn trở về quê nhà, nhưng anh không có lựa chọn nào khác.

Khi về đến quê nhà Gambia, Amadou Jobe được Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc đề nghị giúp đỡ khởi nghiệp. Các nhân viên IOM hỏi anh muốn làm nghề gì và nhờ có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng, Amadou Jobe đã nói rằng, anh có thể buôn bán xi-măng.

IOM đã cung cấp cho Amadou Jobe sự hỗ trợ bằng hiện vật phù hợp để có thể bắt đầu kinh doanh

xi-măng. Nhưng thật không may, khi đó Gambia đang trong mùa mưa và các bao xi-măng của Amadou Jobe bị ngấm nước và hỏng.

Amadou Jobe lại đi tìm những người của Liên hợp quốc để yêu cầu thêm sự giúp đỡ và họ đã đề nghị đưa Amadou Jobe đi đào tạo kỹ năng. Khóa học diễn ra nhanh chóng, Amadou Jobe nhận được chứng chỉ nghề nhôm và có thể bắt đầu làm việc trong cửa hàng bán khung cửa sổ bằng nhôm của một người bạn ở Banjul.

Trong tương lai, Amadou Jobe dự định khi tích cóp và huy động đủ một số tiền, anh sẽ mở cửa hàng nhôm của riêng mình. Giờ đây, Amadou Jobe đã kết hôn và có hai con. Chàng trai trẻ khẳng định, muốn thành công ở chính tại quê nhà và sẽ không cố gắng thử lại hành trình đến châu Âu.

Khóa đào tạo mà Amadou Jobe nhận được là một phần của Chương trình Việc làm, kỹ năng và tài chính cho phụ nữ và thanh niên (JSF) ở Gambia. Đây là một trong những chương trình ưu tiên hàng đầu của Quỹ Liên hợp quốc dành cho đầu tư phát triển (UNCDF), phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và sự tài trợ từ Quỹ Phát triển châu Âu.

Mục tiêu của JSF là nhằm giải quyết những thách thức dai dẳng ở Gambia, bao gồm thiếu cơ hội việc làm cho thanh niên và phụ nữ, mức độ hòa nhập tài chính thấp cũng như thích ứng và giảm tình trạng biến đổi khí hậu. Chương trình cũng kêu gọi thúc đẩy các chính sách định hướng phát triển hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo việc làm bền vững, tinh thần kinh doanh, sáng tạo và đổi mới, đồng thời khuyến khích tăng trưởng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thông qua các hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Chính phủ Italy ước tính, số người di cư trái phép đến nước này đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2023, lên hơn 20.000 người. Theo IOM, Địa Trung Hải là con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Người di cư thường chen chúc trong những chiếc bè không an toàn, ọp ẹp và dễ chìm. Dữ liệu của Liên hợp quốc cũng cho thấy, ít nhất 12.000 người di cư đến Italy trong năm nay qua tuyến đường biển từ Tunisia, cao hơn nhiều so với mức 1.300 người cùng kỳ năm 2022.

Số người xin tị nạn vào Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022 đã đạt mức từng ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, khi hơn một triệu người tìm cách đến khu vực này. Hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách tới châu Âu trên các tuyến đường nguy hiểm. Ủy viên phụ trách nội vụ của EU Ylva Johansson cho rằng, giải pháp bền vững duy nhất cho vấn đề người di cư là thiết lập một tuyến đường hợp pháp với sự giám sát và đóng góp công sức của tất cả các quốc gia trong EU.