Thị trường có lợi
Một quỹ nội địa trong giai đoạn tháng 6 đã gia tăng tỷ lệ CP từ mức chỉ hơn 20% lên gần 90%. Và trong danh mục của quỹ này có hầu hết CP của những ngành nghề hấp dẫn như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ… Những ngành này đã tăng từ mức rất mạnh đến khá mạnh trong thời gian qua và chắc chắn cũng giúp cho danh mục của quỹ nội địa nói trên khởi sắc. Các NĐT cá nhân cũng có thể lặp lại động thái của quỹ này và thậm chí mua nhanh hơn, gấp gáp hơn.
Với tỷ lệ margin cao nhất là 1:1 (có 1 đồng được vay thêm 1 đồng), thì việc thanh khoản của thị trường sẽ gia tăng rất nhanh chóng, vì người tham gia thị trường sau, thường có xu hướng mua vội vã. Minh chứng rất rõ ràng khi thanh khoản trên sàn có những phiên tăng rất mạnh. Chẳng hạn phiên 15/6, giá trị giao dịch khớp lệnh tại sàn HoSE đạt hơn 12.200 tỷ đồng, nhưng sang đến 16/6 thanh khoản đã tăng lên hơn 20.300 tỷ đồng. Thanh khoản tăng, tất nhiên có lợi cho thị trường, vì dòng tiền dồi dào giúp biến động CP ổn định hơn, tạo ra nhiều cơ hội sinh lời cho NĐT cũng như một số ngành nghề, chẳng hạn như chứng khoán.
Hai mặt của “all in”
Việc tất tay mua vào (all in) luôn có hai mặt, nếu mua đúng thời điểm thì tỷ suất lợi nhuận/vốn sẽ được tối ưu hóa, chẳng hạn giá CP tăng 5%, nhưng nếu tất tay và sử dụng margin tỷ lệ 1:1 nữa thì có thể đem lại tỷ suất sinh lợi 10%/vốn. Nhưng kỳ vọng luôn khác với thực tế vì nếu chưa mua thì NĐT cũng nóng ruột, còn mua rồi thì cũng… sốt ruột. Bởi lẽ, sau khi mua vào mà CP tăng ngay thì ngoài khả năng lựa chọn của NĐT, may mắn cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng nếu NĐT không may mắn thì cơ hội mất tiền khá cao.
Một NĐT dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, phù hợp nhất chính là việc NĐT mua vào từng phần, chẳng hạn 20% vốn và lập danh sách theo dõi CP (watchlist). Sau khi đã theo dõi đầy đủ và “đọc” được phần nào bước đi của CP, NĐT mới tiếp tục giải ngân. Đây là điều rất đơn giản, nhưng nhiều NĐT vẫn thường bỏ qua và có thể phải trả giá. Bởi lẽ, nếu trước đó không tham gia thị trường, độ nhạy bén thường sẽ mất, có thể chọn đúng CP vì thị trường lên nhiều CP sẽ lên, nhưng nếu chọn sai sóng, mua vào ngay sóng giảm thì dù CP có tốt NĐT vẫn thua lỗ. Việc all in từ chỗ phải rất thận trọng, kỹ lưỡng rồi mới hành động, lại trở thành động thái có phần vội vã của NĐT và hậu quả là khó lường.
Một chi tiết cũng cần lưu ý là tháng 7 đã tới và đây là tháng mà kết quả kinh doanh quý II, nửa đầu năm 2023 sẽ lộ diện, kèm theo đó là những bất ngờ. Vì vậy vừa mua, vừa thận trọng theo dõi sẽ là chiến thuật an toàn hơn, dù có thể suất sinh lời không cao như “all in”, giúp NĐT có thể tránh thua lỗ một cách đột ngột và vô ích.