Hà Nội đương đầu với "mùa ô nhiễm"

"Đỏ" và thậm chí là "tím" - Hà Nội vừa trải qua những ngày không khí ở ngưỡng xấu có hại đến sức khỏe người dân. Dù đã đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp, nhưng điều cốt yếu là quản lý chặt ô nhiễm từ nguồn vẫn chưa được tiến hành rốt ráo.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tại Hà Nội, khoảng 21,3% lượng bụi mịn PM2.5 đến từ các hoạt động giao thông. Ảnh: Chí Bình
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tại Hà Nội, khoảng 21,3% lượng bụi mịn PM2.5 đến từ các hoạt động giao thông. Ảnh: Chí Bình

Liên tục ở ngưỡng xấu

Theo bà Hà Thanh Hương, Quản lý dự án PAM Air, chất lượng không khí trung bình toàn Hà Nội gần đây đang có diễn biến xấu đi. Không khí thường ô nhiễm vào đêm muộn kéo dài đến sáng sớm, thậm chí là đến trưa hôm sau. Đợt ô nhiễm này bắt đầu từ ngày 3/11. Tiếp đó, vào 6 giờ ngày 6/11, hàng chục điểm đo chất lượng không khí của mạng lưới PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người). Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).

Không chỉ riêng Hà Nội, theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong ngày 9/11, nhiều tỉnh có chất lượng không khí đo được ở mức xấu, gồm có Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương với chỉ số PM2.5 (bụi mịn) duy trì ở ngưỡng 161-172. Đáng chú ý, đo tại đường Hùng Vương, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) chỉ số PM2.5 ở mức 194, tiến gần đến mức rất xấu (PM2.5 từ 201-300: Rất xấu).

Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên quan đến khí tượng. Thời gian qua, thời tiết Hà Nội xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh không phát tán được mà đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, hiện tượng chất lượng không khí ở mức rất xấu tại Hà Nội và khu vực phía bắc hiện nay là do các tỉnh, thành phố này đã bước vào mùa ô nhiễm. Theo ông Tùng, mùa đông đều là mùa ô nhiễm ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt là Hà Nội. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho chất lượng không khí suy giảm là do trong năm 2022, việc khôi phục sản xuất sau Covid-19 đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, lưu lượng giao thông, số phương tiện đi lại cũng rất nhiều, trong khi các biện pháp kiểm soát ô nhiễm lại không có gì nổi bật so với trước đây. Các nguồn ô nhiễm vẫn giữ nguyên, thậm chí có phần gia tăng. Giai đoạn trước, khi trong mùa hè, các điều kiện mưa, gió và bão đã khiến không khí có chất lượng tốt hơn. Dự kiến, trong thời gian tới, hiện tượng ô nhiễm sẽ vẫn tiếp diễn.

Quản lý chặt các nguồn gây ô nhiễm

Tháng 4/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1137 về tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân hạn chế đốt rơm rạ, giảm đun nấu bằng than tổ ong để tránh gây ô nhiễm môi trường không khí. Song, chất lượng không khí vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, PGS, TS Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) kiến nghị, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giám sát. Mặt khác, cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Còn theo đề xuất của chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.

Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 ghi nhận, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chịu tác động rất rõ rệt bởi yếu tố khí hậu. Diễn biến nồng độ bụi trong không khí cũng thay đổi theo quy luật trong ngày, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Nồng độ bụi tăng cao vào các giờ cao điểm giao thông, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và đêm.