Gọi mời trải nghiệm cuối xuân

Những ngày qua và sắp tới ở Thủ đô, có những sự kiện rất đáng chú ý.
0:00 / 0:00
0:00
Gọi mời trải nghiệm cuối xuân

Đầu tiên là sự kiện hơn 100 gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố đã gặp mặt, giao lưu, cùng lan tỏa các giá trị tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh. Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.

Sự kiện tiếp tới là Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”, sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/3 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Hội nghị về phát triển sản phẩm du lịch và kinh nghiệm phát triển thị trường dự kiến diễn ra từ 4 giờ chiều 23/3. Chương trình “Hành trình di sản” khảo sát tuyến điểm trên địa bàn thành phố diễn ra vào ngày 24/3. Chương trình nghệ thuật, hoạt động diễu hành xích-lô du lịch tái hiện nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Hà Nội sẽ vào 15 giờ ngày 25/3. Cùng với đó là tổ chức quầy bia mậu dịch; giới thiệu một số sản phẩm làng nghề, ẩm thực tiêu biểu. Các khu trải nghiệm khác nhau được bố trí tại lễ hội gồm: Khu gian hàng kích cầu du lịch Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; khu giới thiệu và trải nghiệm du lịch tại phố Đinh Tiên Hoàng; khu giới thiệu du lịch làng nghề, làng cổ Hà Nội tại khu vực nhà Bát Giác; khu giới thiệu ẩm thực Hà Nội tại phố Lê Thạch…

Trong những ngày vừa qua, tỉnh Hà Nam vừa có thêm bốn di tích, danh thắng được công nhận là di tích và danh thắng quốc gia. Đó là: Căn cứ địa Lạt Sơn; Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao cùng hai danh thắng: Bát Cảnh Sơn và quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc.

Quần thể di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn gồm: Đền Lê Chân, động Thánh Chân và núi Giát Dâu, thuộc địa phận xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Còn khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được xây dựng ngay trên mảnh đất quê hương ông - làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, là nơi lưu giữ những hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn. Quần thể di tích danh thắng Bát Cảnh Sơn tại Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng là một địa danh nổi tiếng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của đức Thiền sư Nguyễn Minh Không - Vị quốc sư thời Lý (từ thế kỷ XI) và Đức thánh Tiên Ông (thế kỷ XIII). Nơi đây có tám ngôi chùa cổ thờ Phật, Bồ Tát, bảo lưu nhiều huyền tích, truyền thuyết dân gian đặc sắc.