Bởi thực tế, còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để con đường tới mục tiêu nói trên rộng mở hơn. Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, diễn ra vào những ngày cuối tháng 12/2023 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành cùng hướng đến mục tiêu doanh thu của 12 ngành công nghiệp văn hóa trong cả nước đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
Còn xa lạ ở nhiều địa phương
Có thể kể đến các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương bước đầu gặt hái thành công.
Các địa phương nằm ngoài danh sách kể trên mới chỉ tập trung thống kê, giới thiệu về phát triển du lịch và làng nghề truyền thống; các ngành khác hầu như không được đề cập, hoặc nếu có chỉ là liệt kê hoạt động phục vụ công chúng hoàn toàn miễn phí, không theo thông lệ phát triển của một ngành công nghiệp. Báo cáo từ tỉnh Yên Bái ghi nhận: "Các ngành công nghiệp văn hóa phát triển không đồng đều, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, đầu tư của xã hội. Trong lĩnh vực công nghiệp điện ảnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái và Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam tập trung ở lĩnh vực phát hành phim. Phần lớn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh triển lãm trên địa bàn là để phục vụ nhiệm vụ chính trị, không thu phí". Tương tự, báo cáo từ tỉnh Đồng Tháp cho thấy, cả tỉnh hiện chỉ có một rạp chiếu phim lại là của tư nhân, việc đưa tác phẩm điện ảnh đến công chúng chỉ thực hiện thông qua đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước và lồng ghép tuyên truyền nhiều nội dung về pháp luật, văn hóa đến cơ sở...
Vẫn chưa thể tập trung quản lý
12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay do nhiều bộ, ngành cùng quản lý. Bộ Công thương quản lý về hàng thủ công mỹ nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về phát thanh-truyền hình, xuất bản, trò chơi điện tử; Bộ Xây dựng quản lý về kiến trúc... Bên cạnh đó, việc phát triển các làng nghề, vùng nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống cũng có liên quan nhiều tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sự dàn trải dẫn tới nhiều khó khăn cho xây dựng cơ chế chính sách của lĩnh vực giàu tiềm năng này. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Mặt khác, theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng như việc thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ, dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế.
Liên quan đến việc định danh và định vị để quản lý lĩnh vực này theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chỉ rõ: "Chúng ta có 21 ngành kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp văn hóa nằm rải rác đâu đó trong các ngành kinh tế quốc dân này. Chúng ta cũng cần có nghiên cứu phân rõ, xác định đây là ngành kinh tế mới hoặc nếu nằm trong các ngành đã phân thì cũng nên có phân ngành kinh tế cụ thể". Theo ông Hà, từ đó, ngành ngân hàng nếu muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa thì cũng biết được số liệu thống kê, nhằm đánh giá hiệu quả tác động của chính sách để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Từ khảo sát kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ nước Anh, nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ "các ngành công nghiệp sáng tạo" ra toàn cầu, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra quan điểm: cần thay đổi nhận thức và áp dụng một khái niệm mới: "các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo" tại Việt Nam, nhằm tạo động lực và thổi một luồng sinh khí mới năng động hơn vào lĩnh vực văn hóa. "Thuật ngữ này hiện được Liên minh châu Âu, UNESCO và nhiều nước trên thế giới sử dụng, thể hiện sự gắn kết và đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ các hoạt động mang tính chất văn hóa, nghệ thuật sang các hoạt động kinh tế sản xuất ra các sản phẩm nội dung mang tính biểu tượng dựa trên quyền sở hữu trí tuệ..."- bà Hòa nhấn mạnh.
Có thể nói, để sử dụng một cách hữu hiệu gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc vừa qua, chắc chắn một hội nghị toàn quốc mới chỉ là gợi mở, là điểm tựa quyết tâm triển khai. Các bộ, ngành liên quan cần có thêm nhiều cuộc thảo luận rốt ráo để trước mắt, tạo được một số cơ chế đặc thù, nhằm gỡ vướng và hỗ trợ phù hợp thực tiễn vận động của các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay.