Gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội

Được kỳ vọng là phân khúc bất động sản giải tỏa “cơn khát” căn hộ đối với người thu nhập trung bình, thu nhập thấp và công nhân, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội vẫn nhỏ giọt. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội ECOHOME 1 tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Khu nhà ở xã hội ECOHOME 1 tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Vướng ngay từ khâu pháp lý đầu tiên

Từ cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã duyệt danh mục các dự án nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có thêm 8 dự án nhà ở xã hội, dự kiến cung cấp hơn 5.500 căn hộ, tương ứng hơn 485.000 m2 sàn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, việc tiếp cận nguồn cung từ các dự án này là khá khó khăn.

Sau hơn bốn năm liên tục đôn đáo tìm kiếm thông tin về các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, chuẩn bị hồ sơ, nhờ vả các mối quan hệ, vợ chồng chị Minh Phương vẫn phải ở trọ tại một khu chung cư mini tư nhân ở Đống Đa. Mỗi lần đi xin xác nhận thu nhập, xác nhận điều kiện mua nhà…, cũng vất vả lắm, song vợ chồng chị vẫn nuôi hy vọng.

May mắn hơn khi mua được căn hộ thuộc một khu nhà ở xã hội tại Linh Đàm (Hà Nội), song gần ba năm nay gia đình chị Nguyễn Thùy Linh thắc thỏm “ở trọ” ngay trong nhà mình bởi hồ sơ pháp lý… vẫn mang tên người khác. Trường hợp từng sở hữu một căn nhà trước đó nên không thể chính danh đăng ký mua nhà như gia đình chị Linh không hiếm ở các dự án nhà ở xã hội đã vận hành.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, trong cả quý I/2024, toàn Thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội là dự án cũ đã hoàn thành với vẻn vẹn… 242 căn hộ. Thực tế, phân khúc nhà ở xã hội, đang thiếu trầm trọng và thực trạng này còn kéo dài bởi phần lớn các dự án nhà ở xã hội hiện đều vướng từ khâu pháp lý. Ách tắc ngay ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.

Vấn đề này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội ngay trong sáng 20/5, khi trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, do nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở xã hội bị đẩy giá lên cao, trong khi nhu cầu mua còn rất lớn, khiến người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận.

Chính sách đã có, vẫn khó… an cư!

Việc Quốc hội ban hành đồng bộ các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới như: Luật Đất đai 2024; Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024, được kỳ vọng sẽ cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho nhà ở xã hội. Theo Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng, việc đồng bộ những chính sách mới đã tạo được cú huých lớn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là Luật Nhà ở 2023. Đây là kỳ vọng rất lớn không chỉ của doanh nghiệp - chủ đầu tư mà còn là mong mỏi của hàng triệu người dân khi muốn có nơi an cư để lạc nghiệp.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, Luật Nhà ở 2023 đã lan tỏa đến những người thực hiện chính sách, đến người dân, và tác động tích cực đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào nhà ở xã hội.

Theo ông Trương Anh Tuấn, việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội. Với vai trò chủ đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng Nhà nước xây dựng nhà ở xã hội với mục đích bình đẳng cho mọi đối tượng, bảo đảm cho người dân đủ ba quyền: mua, thuê và thuê mua.

Đánh giá cao Luật Nhà ở 2023 đã bỏ những quy định không cần thiết, nhờ đó hiện nay đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội chỉ còn hai điều kiện gồm: điều kiện về nhà ở và thu nhập, theo bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chính sách đã có, quy định mới là “rất hợp lý” và nhân văn, nhưng điều mà doanh nghiệp, người dân mong muốn là chính sách cần được triển khai sớm và hiệu quả. "Chính sách được Quốc hội thông qua phải đi vào thực tiễn một cách thông suốt, không có rào cản kỹ thuật gây khó khăn cho việc thực thi, nếu không giải quyết được vấn đề này thì mục tiêu ban hành chính sách sẽ không đạt được, và người dân vẫn khó… an cư", bà Trần Hồng Nguyên nhận định.

Ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là liên quan đến nhà ở xã hội. Cụ thể, các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải được đơn giản hơn.