Gỡ khó cho giáo dục STEM

Việc thành phố Hà Nội quyết định triển khai đại trà giáo dục STEM (tạm dịch: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ở cấp tiểu học trong năm học tới đánh dấu bước tiến quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy và học.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An trong tiết học STEM.
Học sinh Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An trong tiết học STEM.

Thực tế, Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình giáo dục STEM ở bảy tỉnh, thành phố trên cả nước với 70 trường tiểu học. Bên cạnh những địa phương có cơ sở vật chất hiện đại như các thành phố lớn, chương trình cũng được triển khai ở nhiều địa bàn khó khăn như huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) hay huyện Bát Xát (Y Tý, Lào Cai). Việc chọn các trường mang tính đại diện ở các khu vực khác nhau không chỉ góp phần đánh giá sát thực tính khả thi của giáo dục STEM trong nhiều điều kiện dạy học, mà còn giúp bảo đảm tính công bằng và cũng là cơ sở để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc nhân rộng.

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, huyện Gia Lâm, Ba Vì và Mỹ Đức đã được lựa chọn để triển khai thí điểm chương trình trong năm học 2022-2023. Tổng cộng 7.504 học sinh với 264 giáo viên thuộc 10 trường đã tham gia.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến chia sẻ: Công tác đánh giá sau khi kết thúc năm học cho thấy, đội ngũ giáo viên đã nắm vững phương thức giáo dục STEM, học sinh được thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, giúp khắc phục nhược điểm căn bản của lối dạy học vốn chỉ chú trọng việc truyền đạt kiến thức trước đây. Từ kết quả này, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai đại trà giáo dục STEM đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri (Mỹ), quá trình học tập bắt đầu từ việc học sinh tự khảo sát, khám phá, trải nghiệm để nhận ra những điều hấp dẫn với bản thân. Giáo viên thay vì đưa sẵn giáo án sẽ mang trọng trách là người dẫn dắt và kết nối kiến thức. Để rồi, học sinh sẽ tạo ra các sản phẩm học tập, thực hiện thuyết trình xem việc tiến hành từng công đoạn diễn ra như thế nào, hay viết báo cáo thu hoạch theo nhóm hoặc cá nhân. Khi ấy, kiến thức về xã hội, phương pháp làm việc nhóm, khả năng tư duy về ngôn ngữ hay nhiều bộ môn khác sẽ được lồng ghép trong suốt quá trình học tập.

Đặc biệt với STEM, học sinh sẽ được trang bị kỹ năng đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, hay kỹ năng phân tích đánh giá và tranh luận dựa vào bằng chứng, nhằm xác định nguồn thông tin nào đáng tin cậy. Điều này vượt ra khỏi phương pháp dạy học thu nạp kiến thức thông thường. Việc thay đổi phương pháp đánh giá sau mỗi buổi học giúp các em có cơ hội được suy nghĩ, nhìn nhận lại, để rồi rút ra bài học cho bản thân. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản của STEM.

AU quá trình triển khai thí điểm trên cả nước, hai thách thức lớn nhất đối với công tác triển khai giáo dục STEM là việc nâng cao kiến thức vượt ngoài chuyên ngành của các giáo viên và cách thức sắp xếp thời gian học tập sao cho phù hợp thời khóa biểu. Việc phải dịch chuyển từ dạy học đơn môn sang liên môn, mà ở đó ranh giới giữa các môn trở nên mờ nhạt khiến giáo viên không chỉ lúng túng về các kiến thức chuyên môn và cả phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, vấn đề liên quan chi phí vật liệu và điều kiện cơ sở vật chất lại hoàn toàn có thể được sáng tạo và ít tạo nên khó khăn nhất.

Với mục tiêu, khắc phục khó khăn trong việc thực hiện giáo dục STEM, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài đã đề xuất ba nấc tiếp cận mà các trường cần đạt được.

Thứ nhất, ở mức độ bài học STEM, cần tích hợp dạy các môn học theo hướng liên môn để giải quyết các yêu cầu cần đạt của chính những môn học đó. Thứ hai, sau quá trình tiếp cận và làm quen, chúng ta phải đưa các hoạt động trải nghiệm STEM, với hình thức tăng cường vượt ra khỏi phạm vi của môn học một cách linh hoạt hơn. Thứ ba, khi học sinh được làm quen quy trình nghiên cứu kỹ thuật, quy trình khám phá khoa học, qua các bài học và trải nghiệm STEM, sẽ xuất hiện những em có năng khiếu, năng lực và sở trường ở một nhóm lĩnh vực nào đó. Lúc này, nhà trường và các thầy cô cần tích cực giúp đỡ các em mạnh dạn theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay định hướng nghề nghiệp khác.