Gỡ các "nút thắt" để phát triển đội ngũ giáo viên

Chia sẻ quan tâm về vấn đề đội ngũ giáo viên năm 2022, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết nhận được hơn 200 ý kiến của cử tri gửi đến Bộ bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước việc thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc, chuyển việc.
0:00 / 0:00
0:00
Cô trò Trường THCS Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, TP Hải Phòng) trong giờ dạy môn vật lý.
Cô trò Trường THCS Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, TP Hải Phòng) trong giờ dạy môn vật lý.

NĂM 2022 khép lại với ngành Giáo dục dù còn bộn bề công việc cần phải tiếp tục triển khai trong những năm tới, nhưng cũng vẫn để lại không ít dấu ấn trong việc tập trung các nguồn lực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học. Toàn ngành Giáo dục đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, đưa học sinh trở lại trường học tập sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng chương trình giáo dục mầm non. Vì vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ, nhất là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đặt ra nhiều thách thức cho toàn ngành.

Có thể nói, tình trạng thiếu giáo viên không phải chỉ xảy ra trong năm 2022 mà tích tụ từ nhiều năm trước đây. Thiếu giáo viên do số lượng bỏ việc, giảm biên chế; nhiều địa phương trong nhiều năm không tuyển dụng, tuyển nhỏ hơn số cần; thừa thiếu cục bộ, tăng dân số tự nhiên, chuẩn tỷ lệ giáo viên/lớp, giáo viên/học sinh cũng gây tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, những tác động của dịch Covid-19 và việc triển khai một số môn học mới trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu giáo viên.

Tháng 9/2022, trước khi bước vào năm học mới 2022-2023, tại tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 1.266 giáo viên, trong đó, giáo dục mầm non thiếu nhiều nhất 671 giáo viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, địa phương này đã tuyển thêm 243 chỉ tiêu; triển khai sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, dồn dịch điểm trường; xây dựng mô hình trường tự chủ tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng biên chế từ nguồn ngân sách... Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa đủ giáo viên theo nhu cầu dạy học. Tỉnh Lào Cai cũng tuyển dụng được 231 giáo viên nhưng so với nhu cầu vẫn còn thiếu. Không chỉ ở tỉnh Đắk Lắk hay Lào Cai mà tình trạng thiếu giáo viên xảy ra khá phổ biến ở khắp các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ một thí dụ có thể dễ dàng nhận thấy về thực trạng thiếu giáo viên, đó là thời điểm tháng 9/2015, cả nước có hơn 19 triệu học sinh thì có 1.156.000 giáo viên mầm non, phổ thông; trong khi đó, đến tháng 9/2022 có hơn 23 triệu học sinh và có 1.227.000 giáo viên. Như vậy, số học sinh tăng lên hơn 3 triệu trong khi số giáo viên chỉ tăng khoảng 71 nghìn người. Trước thực trạng không đủ đội ngũ, ngành Giáo dục đã phối hợp ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung là 107 nghìn người.

ĐỂ bảo đảm đủ giáo viên cần các giải pháp tổng thể nhưng giải pháp cấp bách đầu tiên là cần tuyển thêm giáo viên, sắp xếp lại trường lớp... Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên; bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ như: Trình Chính phủ xem xét quyết định đưa dự án Luật Điều chỉnh về nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; sửa đổi các thông tư về chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy; xây dựng thông tư thay thế về định mức giáo viên/lớp; tỷ lệ giáo viên/học sinh...

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; trong đó đề nghị tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023. Đây là dịp giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên cho nên các địa phương ráo riết vào cuộc. Năm 2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương rà soát để có thể tuyển giáo viên một phần bù đắp số nghỉ việc, chuyển việc; một phần đáp ứng nhu cầu dạy học trong điều kiện số lượng học sinh tăng; triển khai môn học mới...

Phát triển, đổi mới, chăm lo, xây dựng cho đội ngũ nhà giáo là yếu tố mang tính nền tảng, trụ cột, có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của ngành Giáo dục, các ngành và các địa phương, kết thúc năm 2022, dù chưa giải quyết được tất cả nhưng việc khắc phục những hạn chế từng bước ổn định tình hình đội ngũ. Điều đó hướng tới việc hình thành đội ngũ nhà giáo lớn mạnh, hùng hậu, phát triển về quy mô, gia tăng về chất lượng, nhằm tạo đà thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.