Giúp đồng bào hưởng lợi thông tin tốt hơn

Các ý kiến tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng chuyển tải thông tin đến đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn các tỉnh miền núi phía bắc” ngày 23/11 vừa qua đã đặt ra những vấn đề thời sự cho việc đổi mới cách đưa tin đến người dân. Cùng với đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ trong thông tin, tuyên truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động du thuyền trên sông Nho Quế phát triển một phần nhờ công tác thông tin - truyền thông lan tỏa.
Hoạt động du thuyền trên sông Nho Quế phát triển một phần nhờ công tác thông tin - truyền thông lan tỏa.

1/Thông tin đường lối, chính sách, tình hình kinh tế, xã hội, nội dung khoa học, giáo dục… nói chung, thông thường được chuyển tải tới đồng bào vùng cao qua hệ thống báo đài cùng hoạt động tuyên truyền của các cơ quan chức năng địa phương, chính quyền cơ sở. Thời gian qua, mạng xã hội phát triển mạnh, lượng thông tin dồi dào thuộc nhiều lĩnh vực - kinh tế, xã hội, văn hóa… cũng qua đó đến với bà con nhiều hơn. Đáng chú ý, nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự lan tỏa các ứng dụng có tích hợp thông tin báo chí, truyền thông.

2/Trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội, du lịch… vùng cao đang sôi nổi hơn, nhiều vấn đề thời sự được đặt ra như nội dung thông tin gồm những gì nhằm thích ứng, mô hình và cách thức truyền tin ra sao, hiệu quả tiếp nhận đến đâu, vận dụng công nghệ thế nào… đang là những câu hỏi cần lý giải khoa học, phù hợp. Bà Vương Ngọc Hà , Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ rộng về nhiều khó khăn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, như tình hình sản xuất, canh tác của đồng bào trên vùng cao nguyên đá hiểm trở và khắc nghiệt; thực tế vừa thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển du lịch, nhưng cũng vừa chắt lọc bảo tồn bản sắc; cùng với yêu cầu bảo vệ biên cương trong bối cảnh mới… Từ đó, bà Hà nêu vấn đề: việc thông tin, tuyên truyền cần trở thành trợ lực tích cực và thích ứng nhanh cho việc giải quyết, thực hiện các vấn đề và nhiệm vụ đó.

Đó cũng là điều mà nhiều người cùng chung suy nghĩ. Cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang băn khoăn về lòng tốt không đúng chỗ. Theo đó thì nhiều đoàn du khách khi lên vùng cao thường cho trẻ đứng ven đường tiền, quà bánh, khiến các em có thói quen dắt nhau ra ven đường chờ đợi, vừa nguy cơ tai nạn giao thông, vừa hình thành tâm lý tiêu cực trong đồng bào. Ông Chinh nêu nguyện vọng, rất mong báo chí phản ánh kỹ, “nói mạnh” về việc này để nhắc du khách đừng làm thế nữa; nếu muốn thì hoàn toàn có cách hỗ trợ khác phù hợp.

Bên cạnh câu chuyện nội dung thì phương tiện, thiết bị, công năng cũng mang tính cấp thiết. Nhà báo Trần Việt Tuyên, Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Hà Giang đưa vài thí dụ. Từng có thời, máy cassette được phát về nhiều địa bàn cơ sở, nhưng sóng phát thanh của ta lại chưa phủ được đến các “vùng lõm” trên cao. Có những khi đồng bào lại nghe được những thông tin phát từ bên ngoài, không có lợi cho chính sách bảo vệ biên giới và đoàn kết dân tộc của ta. Hoặc thời tiết, thiên tai cũng là thủ phạm thường xuyên gây gãy, hỏng các thiết bị truyền tin mà việc khắc phục chưa kịp thời; chính sách hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin lên vùng cao còn thấp, còn chậm…

3/Tại tọa đàm do Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức, các đại biểu đã có nhiều gợi ý thiết thực nhằm cải thiện những đòi hỏi từ thực tiễn. Như cải thiện hạ tầng kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng cho cán bộ thông tin địa phương và cán bộ cơ sở; cơ quan báo chí và công tác truyền thông cần tăng cường các nội dung hay, sinh động, giàu hình ảnh… để cuốn hút người xem, nghe; đặc biệt là biết “chia” thông tin cho từng đối tượng như người cao tuổi, thanh niên, học sinh, cán bộ địa phương. Bà Vương Ngọc Hà gợi ý, cần tận dụng lực lượng cộng tác viên bám nắm cơ sở là các cán bộ, nhân viên công tác tại các trung tâm văn hóa huyện vùng cao.

Có thể thấy, từ những nhận xét, gợi ý đầy tính thực tế ở cơ sở, các cơ quan báo chí, quản lý truyền thông sẽ xây dựng được những phương thức chuyển tải thông tin hiệu quả hơn, những chính sách tích cực và thấu đáo hơn. Để từ đó, tác dụng định hướng đường lối và tuyên truyền pháp luật, cùng hiệu quả kinh tế - xã hội của thông tin được phát huy mạnh mẽ hơn. Trên tinh thần mở, tọa đàm khép lại bằng đề xuất việc tạo điều kiện, cơ hội để chính những nguồn thông tin hữu ích do đồng bào cung cấp được lan tỏa rộng rãi hơn đến xã hội. Như thế, chính đồng bào cũng có thể trở thành một phần trong chuỗi cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.

Sự tiếp nhận, nắm bắt của đồng bào là việc mà đội ngũ làm báo, làm tuyên truyền cần nghiên cứu. Từ đó xây dựng các nội dung, từ ngữ, văn phong phù hợp lời ăn tiếng nói, lối suy nghĩ, nếp sống người dân vùng cao.