Xu hướng mới của thị trường lao động
Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách phát triển bền vững và tập trung vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý rác thải. Điều này được thể hiện thông qua những diễn biến trên thị trường lao động. Báo cáo Khảo sát Lương 2024 của Navigos Group cho thấy xu hướng mới khi các vị trí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngày càng được các doanh nghiệp đầu tư, khi mức lương cho các phòng ban này trong ngành thiết bị điện tử, hóa chất/ vật liệu xây dựng hay bao bì/ in ấn/ nhựa, nông nghiệp, sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản có xu hướng tăng so cùng kỳ năm trước.
Từ trước tới nay, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã khá quan tâm đến việc tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn, sức khỏe. Do vậy, các vị trí quản trị, giám sát an toàn lao động, bảo đảm sức khỏe và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp - EHS luôn là một vị trí mà doanh nghiệp nào cũng có. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã tách riêng vị trí về quản lý môi trường thành vị trí độc lập để cho thấy tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong các doanh nghiệp này. Trong những năm gần đây, chúng tôi cũng ghi nhận sự gia tăng về tuyển dụng các vị trí EHS trong các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý nữa, giai đoạn gần đây, khái niệm về ESG - Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), Governance (Quản trị) được nhắc tới rất nhiều trên thế giới và cả ở Việt Nam. Các giải pháp cho vấn đề về môi trường, giảm rác thải và ô nhiễm, giảm tiêu thụ năng lượng khí đốt và tăng cường sử dụng các loại năng lượng tái tạo là một chủ đề mà các doanh nghiệp ngày càng thể hiện sự quan tâm. Do đó, ngoài EHS, nhân sự cho vị trí ESG cũng là một vị trí mà các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và tìm kiếm. Có những doanh nghiệp sáp nhập EHS và ESG vào làm một, lại cũng có những doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn hoặc các công ty đa quốc gia, tách ra riêng biệt thể hiện sự quan tâm ngày một tăng đến các vấn đề này của doanh nghiệp.
ESG cũng đã và đang dần được áp dụng trong ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm. Ngân hàng vốn là loại hình kinh doanh đặc thù nên việc áp dụng Quản trị (Governance) vốn đã được chú trọng từ rất lâu. Tuy nhiên, gần đây, các ngân hàng cho thấy sự quan tâm nhiều hơn tới việc thúc đẩy kinh doanh bền vững thông qua việc cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc các gói tài chính đặc biệt cho các dự án thân thiện với môi trường, như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và các công nghệ sạch. Theo Báo cáo Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank), ngân hàng này đã tăng cường các chương trình tín dụng xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, với tổng dư nợ tăng từ 2.565 tỷ đồng năm 2020 lên 4.883 tỷ đồng năm 2023. Từ đó, có thể thấy, những vị trí mới như chuyên gia ESG cũng đang được một số ngân hàng quan tâm và "săn lùng".
Thu hẹp khoảng cách giữa đòi hỏi và năng lực
Mặc dù có nhiều cơ hội việc làm xanh, song kỹ năng và kiến thức chuyên môn của người lao động vẫn còn hạn chế. Việc thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và quản lý môi trường là một trở ngại lớn cho người lao động tiếp cận được cơ hội việc làm. Thực tế cho thấy vẫn còn một số khoảng cách giữa cung và cầu trong lĩnh vực này. Chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa tích hợp đầy đủ các kiến thức về môi trường, năng lượng tái tạo, hay kinh tế tuần hoàn vào chương trình học.
Làm sao đáp ứng được nhu cầu về việc nâng cao kỹ năng cho người lao động hiện tại cũng chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Cho đến nay, các chương trình đào tạo ngắn hạn và linh hoạt về "việc làm xanh" còn khá hạn chế. Việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách hiệu quả, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế và khó tìm được việc làm phù hợp.
Để thu hẹp khoảng cách này, TS Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường đề xuất: "Đầu tiên, các trường học cần nhanh chóng cập nhật chương trình đào tạo, tích hợp các kiến thức về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu vào mọi cấp học. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm là vô cùng cần thiết. Phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn cũng là một giải pháp hiệu quả. Các khóa học ngắn hạn và chứng chỉ về các lĩnh vực "xanh" như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và du lịch bền vững cần được mở rộng, giúp sinh viên và người lao động có thêm cơ hội nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới".
Cùng đó, tăng cường hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên và tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp.