Lễ hội Mardi Gras là ngày lễ quan trọng trước khi bước vào mùa ăn chay trong Thiên Chúa giáo. Mardi Gras bao gồm các hoạt động sám hối, ăn năn về tội lỗi của mình trước khi thực hiện việc ăn chay và các nghĩa vụ tôn giáo gắn liền với Mùa Chay. Từ châu Âu, lễ hội này du nhập sang Mỹ và lần đầu được tổ chức tại thành phố Mobile, sau đó phát triển mạnh tại New Orleans, bang Louisiana.
Vài tháng trước khi lễ hội bắt đầu (thường vào tháng 2 hằng năm), bà Patricia Halsell-Richardson (70 tuổi), chủ sở hữu và nhà thiết kế chính của thương hiệu thời trang “Patricia Ann’s Regal Regalia”, được coi là một “huyền thoại sống” về trang phục lễ hội Mardi Gras. Trong hơn 30 năm, bà là một trong những người sáng tạo ra những chiếc vương miện, áo choàng và vòng cổ cho những người đóng các vị vua và nữ hoàng tham gia diễu hành trong lễ hội Mardi Gras hằng năm. Nhiều thiết kế của bà đang được trưng bày tại Bảo tàng lễ hội hóa trang của TP Mobile.
Mỗi năm, bà Pat và nhóm của mình làm việc không mệt mỏi trong studio để thiết kế các toa xe trang trí, áo choàng, trang sức và vương miện lộng lẫy cho nhiều nhóm đeo mặt nạ tham gia lễ hội (còn gọi là “krewes”). Năm nay, bà Pat được giao nhiệm vụ hoàn thành gần 30 toa xe, trong đó nhiều toa xe đã được đặt trước nhiều năm, cùng với đó là rất nhiều trang phục, đồ trang sức cho các “vị vua và hoàng hậu”, đại diện cho các hội krewes chủ trì lễ hội. Các toa xe carnaval của bà Pat có giá từ 5.000 USD, thậm chí có thể lên tới 37.000 USD. Mỗi chiếc dài hơn 5m và rộng gần 3m, được trang trí bằng kim cương giả, những tấm ren, vải nhung và nhiều phụ kiện sang trọng khác.
Đối với người dân ở Mobile, không chỉ các toa xe carnaval được trang trí công phu và trang phục hóa trang mới phản ánh vẻ đẹp của lễ hội Mardi Gras, mà các phong tục cũng thể hiện sự quyến rũ và nét văn hóa độc đáo của địa phương. Hai nhân vật vua và hoàng hậu tiêu biểu nhất, được bầu chọn trong các nhóm krewes, sẽ vinh dự trở thành gương mặt đại diện cho thành phố. Tiêu chí được chọn phụ thuộc cách ứng xử, mối quan hệ của họ với cộng đồng, sự thành công trong sự nghiệp và sự tham gia của họ vào xã hội. Mỗi trang phục hóa trang cũng tôn vinh văn hóa, lịch sử gia đình và sở thích của người mặc.
Ước tính có khoảng một triệu người đến với TP Mobile mỗi năm để tham gia lễ hội Mardi Gras kéo dài trong nhiều tuần. Theo ông Cart Blackwell, người phụ trách Bảo tàng lễ hội hóa trang của Mobile, cuộc sống sinh hoạt của thành phố về cơ bản xoay quanh lễ hội này. “Người dân Mobile đi làm xa có thể không về nhà vào dịp Lễ Phục sinh, ngày Quốc tế Lao động 1-5 hoặc ngày lễ Độc lập 4-7, nhưng tất cả họ sẽ hồi hương trong những ngày lễ Mardi Gras”, ông Cart cho biết. Trong một thành phố ngập tràn truyền thống, sự kết nối của những người dân với lễ hội được thấm nhuần ngay từ khi còn trẻ. Trẻ em lớn lên theo dõi cha mẹ diễu hành trong các đoàn krewes và sau này chính các em cũng tham gia.
Không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, văn hóa mà lễ hội Mardi Gras còn là đại diện cho sự hòa hợp sắc tộc, nơi người dân TP Mobile gạt bỏ sự khác biệt sang một bên cùng nhau hòa đồng trong bầu không khí lễ hội vui vẻ. Người dân ở mọi lứa tuổi, tầng lớp và mọi sắc tộc cùng nhau xuống đường nhảy múa và nhặt các món đồ trang sức, hạt cườm và bánh chocolate do “ông vua, bà hoàng” trên các toa xe ném xuống. Những đồ vật này vốn được coi là đem lại sự may mắn, tốt lành. Hoạt động trong lễ hội cũng là biểu tượng của niềm vui, vượt qua lịch sử phân biệt chủng tộc của TP Mobile trong quá khứ và mang mọi người xích lại gần nhau.