Giảm áp lực từ rác

Theo nhiều chuyên gia và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tái chế, việc phân loại tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm áp lực của rác thải lên môi trường. Khi phân loại đúng, rác có thể trở thành tài nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tham gia trải nghiệm xử lý chai nhựa tự động tại Ngày hội Việt Nam xanh 2024.
Người dân tham gia trải nghiệm xử lý chai nhựa tự động tại Ngày hội Việt Nam xanh 2024.

1/Từ nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, môi trường, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tái sử dụng, tái chế rác thải. Tuy nhiên, áp lực từ rác thải vẫn còn rất lớn.

Là tổ chức chuyên thực hiện thu gom, xử lý rác trên nhiều tuyến kênh, rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ cộng đồng, Câu lạc bộ Sài Gòn xanh liên tục chia sẻ các đoạn video trên các nền tảng xã hội để tăng hiệu ứng tuyên truyền. Hơn một năm qua, các nội dung cảnh báo ô nhiễm môi trường hay lan tỏa lối sống “xanh” từ câu lạc bộ này đã thu về hơn 3 tỷ lượt người xem. Đến nay, các tình nguyện viên thuộc Sài Gòn xanh đã thu gom hơn 3 nghìn tấn rác trên 300 kênh, rạch tại địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. “Tuy nhiên, cái khó vẫn nằm ở ý thức của nhiều người. Có những đoạn kênh, chúng tôi đến dọn sạch sẽ, vài ngày sau rác ngập đầy như cũ”, anh Nguyễn Lương Ngọc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho hay.

2/Theo ông Nguyễn Phú Bình, Quản lý toàn quốc của Công ty TNHH Botol Việt Nam, thử thách lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thu gom rác thải. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phân loại rác tại nguồn. Để thay đổi nhận thức và tạo thói quen phân loại rác hiệu quả cho người dân, cần thêm nhiều phương án thiết thực bên cạnh công tác tuyên truyền. Giải pháp Botol Việt Nam đưa ra chính là máy thu gom và xử lý vỏ chai, vỏ lon tự động. Người dân chỉ cần thu gom chai nhựa, lon nhôm sau khi sử dụng, đem đến chỗ đặt máy gần nhất, chờ xử lý và nhận điểm thưởng qua điện thoại. Trong khoảng một năm qua, công ty này đã lắp đặt 30 máy xử lý vỏ chai, lon nhôm tự động tại một số siêu thị, khu dân cư và trường đại học trên địa bàn. Dự kiến số lượng máy sẽ tăng lên gấp 7 lần trong hai năm tới và mở rộng phạm vi hoạt động tại Hà Nội cùng một số tỉnh, thành.

Từ nay đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai 5 nhóm giải pháp nhằm từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố sẽ tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực này. Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao và khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu chất thải, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Cùng với đó, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục được tăng cường trong giai đoạn tới.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết mỗi năm Việt Nam thải ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Phần lớn trong số đó là túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% trong số đó bị thải ra môi trường chỉ sau một lần dùng.