Ngày mới của Huế

Sáng 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, với 95,62% đại biểu tán thành, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển gần 720 năm của vùng đất cố đô. Sự kiện mở ra một chương mới đầy triển vọng cho thành phố di sản này.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng có nhiều cây cầu mới nối đôi bờ sông Hương. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG
Ngày càng có nhiều cây cầu mới nối đôi bờ sông Hương. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG

720 năm viết tiếp

Huế hôm nay, một bức tranh dung dị, trang nghiêm, nơi quá khứ huy hoàng hòa quyện cùng khát vọng vươn mình mạnh mẽ. Từ khi Quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, Huế không chỉ lưu giữ hồn cốt của lịch sử, mà còn là một biểu tượng văn hóa sống động, minh chứng cho sự trường tồn sức sống của di sản Việt Nam.

Hai thập kỷ quy hoạch và phát triển, Huế đang từng bước trở thành “thành phố di sản văn hóa” xứng tầm, vừa giữ vững những giá trị truyền thống, vừa kiến tạo nền tảng cho tương lai bền vững. Trong lòng người dân và cả nước, Huế dịu dàng bên dòng Hương Giang, gắn kết di sản với sự phát triển hiện đại. Sông Hương trong xanh lặng lờ, phản chiếu bóng kinh thành, đền đài và những ngôi chùa cổ kính, tựa như một dòng chảy kể chuyện. Từ thượng nguồn ở dãy Trường Sơn, sông Hương vun bồi nền văn hóa đặc sắc với nhã nhạc cung đình, thơ ca và hội họa. Tình yêu dành cho Huế không chỉ nằm ở vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính mà còn ở khát vọng chung của những người yêu di sản.

Trong ngôi nhà nhỏ bên đường Ông Ích Khiêm, nơi bờ bắc sông Hương và thời gian tới sẽ là quận Phú Xuân, ông Nguyễn Mậu Tuân, 78 tuổi, nhấp một chén trà nóng, đôi mắt nhìn xa xăm về phía cầu Trường Tiền. Cả đời ông gắn bó với mảnh đất cố đô này, nơi từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Ông Tuân nói: “Răng mà không vui được! Huế từ lâu vốn đẹp, giờ được cả nước công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, đó là vinh dự lớn. Ông bà tổ tiên hẳn cũng tự hào”.

Ông Tuân kể lại những năm tháng khó khăn khi vùng đất cố đô còn lặng lẽ, đời sống nhiều thiếu thốn lại còn thường xuyên hứng chịu thiên tai. Nhưng giờ đây, ông cảm nhận rõ sự chuyển mình, những con đường khang trang hơn, người dân ý thức gìn giữ văn hóa ngày càng cao và đặc biệt, những giá trị di sản ngày càng được nâng niu trân trọng. “Huế đâu phải lúc nào cũng là cố đô. Thế hệ sau sẽ sống trong một thành phố vừa giữ được cái hồn cũ, vừa phát triển hiện đại. Thiệt là vui quá sức!”.

Bà Lê Thị Nghĩa, 72 tuổi, sống tại đường Ngự Bình, gần Đàn Nam Giao, gắn bó với vùng đất này từ thuở nơi đây còn vắng lặng, nhà cửa thưa thớt. Ký ức của bà là những ngày mà khu vực bên bờ nam vẫn bị coi là “xa xôi” trong tâm thức người bên Thành nội. Bà nhớ lại: “Ngày xưa, từ bên Thành qua bên này như là một chuyến đi xa. Đường sá chưa thuận tiện, cầu cống chỉ có vài chiếc, người bên bờ bắc ngại qua bên ni lắm. Còn giờ đường sá băng băng, xe cộ tấp nập hai bên gặp nhau sẽ nói tui quận Thuận Hóa, còn O quận mô ui chao là vui!”.

Định vị Huế mai sau

Thời gian thay đổi, TP Huế từng bước mở rộng. Những cây cầu mới lần lượt được xây dựng và sắp tới là Nguyễn Hoàng nối liền hai bờ sông Hương. Bên Đàn Nam Giao, những ngôi nhà mới mọc lên, phố xá nhộn nhịp hơn. Bà Nghĩa cười: “Chừ thì mô còn xa nữa. Thành phố mở rộng, bên nớ bên ni thuận đường qua chơi”.

Phan Nguyễn Phương Nam, chàng trai 25 tuổi sinh ra và lớn lên gần cầu Bãi Dâu, bên bờ sông Đông Ba, phường Phú Bình, mang trong mình những kỷ niệm về một xóm nhỏ yên bình nhưng xa cách với trung tâm thành phố. “Ngày xưa, khi em còn nhỏ, đây như một góc khuất của Huế. Nhà cửa thưa thớt, đường sá hẹp và quanh co. Mỗi lần được ba mẹ cho đi trung tâm thành phố, em vui lắm, như một phần thưởng sau những ngày chăm ngoan”, Nam hồi tưởng, ánh mắt ánh lên nỗi nhớ.

Thời gian trôi qua, Huế thay đổi từng ngày. Đường sá mở rộng, khu vực Bãi Dâu không còn là xóm xa làng vắng mà trở thành một phần sôi động, hiện đại hơn của thành phố. “Giờ đây, chỉ cần vài phút là em đã có thể đi đến trung tâm thương mại, đi các siêu thị như Aeon mall hay Go! vào cuối tuần và cảm giác xa cách ngày nào đã không còn”, Nam nói với niềm vui mộc mạc.

Biết tin Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, niềm tự hào trong Nam bỗng chốc vỡ òa. “Là một người trẻ, em hiểu trách nhiệm của mình không chỉ là tận hưởng những thành tựu của thế hệ trước, mà còn phải góp sức mình xây dựng Huế phát triển hơn nữa. Thành phố này không chỉ là di sản mà còn là tương lai của chúng em”.

Tin vui đến khơi dậy niềm hân hoan không chỉ trong lòng người dân xứ Huế mà còn lan tỏa đến mọi miền. Niềm vui ấy như một lời khẳng định về giá trị trường tồn của vùng đất cố đô.

TP Huế giáp TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông. Theo Nghị quyết, TP Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.900 km2 và quy mô dân số là khoảng 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn cho đến hết giai đoạn áp dụng, hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.