Phát triển đô thị thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt ứng dụng Công dân số, cộng thêm một nền tảng vào mạng lưới hạ tầng cho đô thị thông minh. 4 trụ cột lớn của đề án “Đô thị thông minh”, gồm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo về tình hình kinh tế-xã hội, Trung tâm an toàn thông tin đang từng bước được hoàn thiện.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực phát triển đô thị thông minh.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực phát triển đô thị thông minh.

Hiện tại, ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh” cung cấp 12 nhóm tính năng chính, bao gồm: Phản ánh kiến nghị, Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Xây dựng, Cơ quan nhà nước, Dịch vụ công - Tra cứu hồ sơ, Bản đồ, Tài khoản chung, VNeID, Tương tác thông báo - Tin tức - Lấy ý kiến người dân. Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Chung cho biết, điểm nổi bật của ứng dụng là người dân có thể trực tiếp phản ánh và theo dõi kết quả giải quyết sự việc, sự vụ thông qua nền tảng số. Bên cạnh đó, việc tra cứu các thủ tục hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ đa lĩnh vực cũng trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây còn là kênh thông tin giúp cơ quan chức năng kịp thời ghi nhận và xử lý thêm nhiều vụ việc phát sinh trên địa bàn. Từ mạng lưới kết nối thông suốt này, chính quyền thành phố có thể đẩy nhanh công tác thông tin, tuyên truyền và gửi đi các thông báo, cảnh báo cần thiết cho người dân.

Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” giúp nắm bắt kịp thời thông tin, phản ánh thực tế từ không gian mạng và đưa ra những giải pháp thực thi chính sách phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân. Mỗi năm, thành phố dành khoảng 1,22% ngân sách cho chương trình Chuyển đổi số. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển chương trình Trí tuệ nhân tạo, hạ tầng viễn thông, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin.

Đến nay, Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương do các đoàn viên thanh niên làm nòng cốt đã có khoảng 11 nghìn thành viên, bảo đảm tốt việc tư vấn, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trung tâm dữ liệu của thành phố đặt tại Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung với hơn 1.200 máy chủ chạy trên nền điện toán đám mây hiện đại đã và đang góp phần đẩy mạnh năng lực chuyển đổi số từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã. Từ hệ thống hơn 10 nghìn camera giao thông hiện có, thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư, nâng cấp thêm và kết nối toàn bộ hệ thống camera với Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm điều hành đô thị… để xúc tiến việc điều hành tổng thể từ xa.

Đến thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh mô hình dữ liệu mở. Thành phố đang duy trì 40 nền tảng số, trong đó có 13 nền tảng số dùng chung, còn lại là các nền tảng số chuyên ngành. Việc rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng về máy tính từ xã, phường cho đến thành phố đang được triển khai, mục tiêu trong năm 2025 sẽ đồng bộ hạ tầng, phục vụ tốt nhất cho việc chuyển đổi số.

“Giai đoạn này, Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ trương chuyển đổi số phải đi đôi với chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép. Thành phố đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu cho các vấn đề công nghệ cao, công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, vi mạch, dữ liệu lớn”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.