Rau và làng xưa
Nếu đi thyền trên sông hoặc chạy xe trên đường, không ai nhận ra phía sau những căn nhà kiên cố lại có một cánh đồng lọt thỏm chuyên canh rau thơm, cải ngọt nổi tiếng.
Trưa nay, ngồi bên ruộng rau xanh mướt, chờ khách đến để trình diễn tưới rau, ông Mai Văn Thuận, một người dân ở làng Trà Quế, hồi tưởng về quá khứ lập làng. Theo lời ông kể, làng Trà Quế đã tồn tại gần 400 năm, bắt đầu từ những người dân chài lưới đến định cư, rồi từ đó khai hoang để trồng trọt. Với nguồn phân bón tự nhiên từ rêu vớt dưới đầm Trà Quế. Người dân đã sáng tạo cách bón đất, phát triển những luống rau thơm ngát với hương vị đặc biệt mà ít nơi nào có được.
Niềm tự hào về nghề trồng rau và truyền thống của làng luôn là động lực để ông Thuận và nhiều người dân nơi đây tiếp tục gìn giữ, phát triển. Với họ, từng luống rau, mảnh ruộng không chỉ là nguồn sống mà còn là biểu tượng gắn bó của nhiều thế hệ trong hành trình giữ gìn nét đặc trưng và tinh hoa của làng.
Năm 2003, Hội An chính thức khai trương tour du lịch “Làng rau Trà Quế,” mở ra cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống và công việc của người nông dân nơi đây. Trong các hoạt động, “Một ngày làm nông dân làng rau Trà Quế” đã giúp người dân địa phương dần quen với việc tiếp xúc với khách nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Mùi, một người trồng rau lâu năm, chia sẻ ban đầu bà con khá e dè, phần vì chưa quen với khách, phần vì công việc hằng ngày trên mảnh đất chỉ là những công việc bình dị như cày đất, nhổ cỏ, gieo hạt. “Tay chúng tôi chai sần vì lao động, còn du khách thì sạch sẽ, thơm tho và nói chuyện bằng tiếng nước ngoài. Chúng tôi không biết họ khen hay chê. Nhưng rồi hết đoàn khách này đến đoàn khác, sự e ngại dần được thay bằng niềm tự hào khi những luống rau xanh mát trở thành điểm thu hút người từ nhiều nơi, chứng minh rằng công sức của người nông dân thật sự có giá trị”, chị Mùi tự hào.
Từ trải nghiệm này, người dân Trà Quế không chỉ tự tin hơn mà còn nhận ra rằng nét đẹp lao động tuy giản dị nhưng luôn được khách du lịch quốc tế đánh giá cao. Điều này giúp họ mở lòng hơn và hãnh diện hơn về công việc gắn bó với đất đai, đồng ruộng.
Niềm vui gọi tên
Năm 2006, khi làng rau Trà Quế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, niềm vui lan tỏa khắp làng. Những người dân trồng rau thâm canh tại Trà Quế đã được công nhận chính thức cho phương pháp canh tác hữu cơ truyền thống của mình. Cảm giác này không chỉ dâng trào trong lòng những người như ông Mai Văn Thuận hay chị Nguyễn Thị Mùi mà là niềm tự hào của cả làng.
Được công nhận, rau Trà Quế giờ đây bán được với giá cao hơn, được nhiều nơi đón nhận, vượt ra ngoài phạm vi địa phương. Người dân thấy rõ thành quả của công sức chăm sóc tỉ mỉ từ việc bón phân hữu cơ đến việc giữ gìn chất lượng của từng luống rau. Đây không chỉ là sự bảo đảm về giá trị vật chất mà còn khẳng định tính bền vững của phương pháp canh tác gắn liền với bản sắc văn hóa lâu đời. 18 ha đất trồng rau của 202 hộ dân và 326 lao động, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn duy trì nghề truyền thống. Tháng 4/2022, nghề trồng rau tại đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian.
Ngày 15/11 vừa qua, tại Cartagena de Indias (Colombia), làng rau Trà Quế Hội An đã được Tổ chức Du lịch LHQ (UN Tourism) trao tặng danh hiệu. Đây là giải thưởng vinh danh vai trò của du lịch trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, và hệ thống tri thức dân gian ở các làng quê nông thôn. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Trà Quế còn giữ gìn nhiều di tích lịch sử như giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành và mộ ông Nguyễn Văn Điển, cùng với các phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, giải thưởng là một bước tiến quan trọng, giúp làng rau Trà Quế trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Giải thưởng ghi nhận những nỗ lực của người dân Trà Quế trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và gắn kết với các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của LHQ.