Phim hành trình và cảm thức “hành trình”

Từ việc phân tích Nomadland (tựa Việt: Kẻ du mục) - bộ phim giành ba tượng vàng Oscar cho phim, đạo diễn và nữ chính xuất sắc của năm nay, hai đạo diễn trẻ Tạ Nguyên Hiệp và Lan Nguyên gợi mở câu chuyện hành trình làm phim và phim hành trình, tinh thần “trên đường” của những nhà làm phim trong việc truy cầu chính bản thân mình.

Cảnh phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Cảnh phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.

Cuộc nói chuyện nằm trong chuỗi chương trình Cà-phê Điện ảnh “Câu lạc bộ điện ảnh CPTB” trực tuyến, chủ đề Từ Nomadland, hành trình làm phim và phim hành trình, do Salon Cà-phê thứ bảy tổ chức mới đây.  
 
Từ Nomadland đến câu chuyện của Việt Nam

Vì sao lại chọn Nomadland để gợi mở câu chuyện phim hành trình, ở một thời điểm hết sức đặc biệt: tất cả mọi người đều ở yên một chỗ vì Covid-19? Lan Nguyên nói, cô để ý thấy thời gian này, rất nhiều bạn bè cô chia sẻ về những chuyến đi cũ, những hành trình đã qua và đâu đó, có cả những hy vọng về hành trình tiếp theo khi hết dịch. Bộ phim của đạo diễn người Trung Quốc Chlóe Zhao thú vị ở chỗ, không chỉ mở ra một “tiếng nói khác” của nước Mỹ đương đại, mà còn gợi lại “hành trình” của mỗi chúng ta, trong đó có những nhà làm phim.

Thông qua câu chuyện của một góa phụ hơn 60 tuổi (Frances Louise McDormand thủ vai) bị đẩy ra khỏi không gian sống quen thuộc, mất chồng, mất nhà, thất nghiệp, mất bạn bè và bước vào cuộc đời du mục trên một chiếc xe van, bộ phim như một trang nhật ký của nước Mỹ trong thời kỳ sau đại suy thoái… “Sở dĩ Nomadland thắng vì những người làm phim dám sống, dám đốt cháy kiệt cùng đam mê của mình để kể một câu chuyện quan trọng nhưng ít được để ý, qua đó mô tả một chặng đường của lịch sử Mỹ”, Tạ Nguyên Hiệp nói.

Dịch Covid-19 bùng phát và đang diễn biến hết sức phức tạp. Có nhiều câu chuyện không xuất hiện hoặc chưa được phản ánh đầy đủ trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Hiện thực cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta nảy ra quá nhiều chất liệu, nhiều câu chuyện hay để các nhà làm phim khai thác. Từ Nomadland, liên hệ tới Việt Nam, các nhà làm phim trẻ cũng khao khát, chúng ta sẽ có một bộ phim hành trình hay, một câu chuyện đặc sắc của riêng mình để ghi lại những ngày tháng hết sức đặc biệt này.

Tinh thần trên đường

Hiểu nôm na, phim hành trình là bộ phim mà những tình tiết diễn ra trên đường, nhân vật không ngừng di chuyển, có/hoặc không có mục đích hay điểm đến. Phim hành trình không chỉ có ở phim tài liệu mà ở phim điện ảnh cũng như những thể loại khác… Trên thế giới, có rất nhiều bộ phim thuộc dòng này đã chinh phục người xem. Có thể kể đến như Little Miss Sunshine, The secret life of Walter Mitty, The ballad of Buster Scrugg, Motocycle Diaries, My own private Idaho, Forest Gump, The salt of the earth, Into the White, A quest for a meaning… Ở Việt Nam, cũng đã có phim mang tinh thần đó nhưng không nhiều. Chẳng hạn, có thể kể tới như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong, Nhắm mắt thấy mùa hè, Màu cỏ úa… Bộ phim hành trình sớm nhất của Việt Nam, có lẽ là 1735 km. 

Lý giải điều này, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cho rằng, bên cạnh việc ở Việt Nam ít hãng/nhà sản xuất nào dám đổ tiền cho một bộ phim hành trình, điều quan trọng nhất, đó là, bản thân các nhà làm phim của nước ta chưa chìm sâu, hoặc chưa đủ sâu để nghe theo câu chuyện riêng của mình hoặc nghe theo câu chuyện của người khác.

Trong các bộ phim thể loại này, khi bắt đầu một hành trình, các nhân vật đều có vấn đề về bản thân hoặc kiếm tìm một liệu pháp nào đó cho tâm hồn mình. Hầu hết cuối phim, họ tìm được chìa khóa để giải quyết vấn đề đó. “Tôi cảm thấy, họ may mắn quá và dũng cảm quá. Họ dám lựa chọn những con đường khác biệt, dám thành thật với bản thân mình. Cuối cùng, những điều đó mang đến cho họ món quà, đó là truy cầu, giải đáp được những câu hỏi cho chính mình. Đó là điều mà không phải ai cũng làm được”, Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ. 

Nhạc sĩ Dương Thụ - Giám đốc chuỗi chương trình Salon Cà-phê thứ bảy - kể, từ bé đến lớn, ông chưa ở chỗ nào lâu quá, có nơi sống chín năm, có nơi chỉ ba năm… Nơi lâu nhất là TP Hồ Chí Minh. Và giờ thì ông cũng chuyển về ở Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cái gọi là “đi phượt” mà các bạn trẻ bây giờ hay gọi thì ông đã “đi phượt” từ rất lâu rồi. Ông “đi để sống được nhiều cuộc đời khác nhau”. 

“Phim tài liệu không phải cứ quay cảnh thật sẽ là phim tài liệu. Đạo diễn phải có mình trong đó. Anh phải mang con người anh đi làm phim. Yêu cái gì, cảm thấy ra sao, rung động như thế nào,… thì nó sẽ vào ống kính của anh, vào cảnh cận, cảnh toàn, vào những cái thuộc về điện ảnh. Phim tài liệu thật ra là tài liệu tâm hồn người quay”, nhạc sĩ Dương Thụ lấy thí dụ thể loại phim tài liệu để nói về phim hành trình, hay nói một cách xác đáng hơn, là tinh thần “lúc nào cũng như trên đường”, “trong một hành trình nào đó” của nhà làm phim. Thông qua cách nhìn của mình, những nhà làm phim có thể mở ra được một thứ lịch sử chưa được biết đến đầy đủ. Lịch sử đó được phơi bày thật hơn là truyền thông, hay kinh nghiệm, hơn những thứ đạo diễn “mắm muối”, thêm thắt.

“Tôi chỉ có một hy vọng ở những người làm phim, đó là, phim chính là con người của bạn”, nhạc sĩ Dương Thụ nói thêm.