Giải pháp nào chặn cuộc gọi, tin nhắn rác?

Tình trạng tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo, mời chào mua sản phẩm đủ loại, mà người dân quen gọi là "cuộc gọi, tin nhắn rác" xuất hiện ngày càng nhiều, gây phiền toái cho cộng đồng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt xử lý nhưng vẫn cần những biện pháp mạnh, cương quyết, triệt để hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến điểm giao dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: Viết Thịnh
Người dân đến điểm giao dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ảnh: Viết Thịnh

Nhiều kẽ hở cần được khắc phục

"Áp lực công việc đã đủ mệt, lại có lúc phát rồ lên vì các cuộc gọi quảng cáo!"- anh Bùi Xuân Hải (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã thốt lên như thế! Mỗi ngày anh Hải cũng như nhiều người khác đều phải nhận những cuộc gọi không mong muốn. Nào là hỏi anh có nhu cầu bán hay cho thuê căn hộ; mời tham gia chuyến du lịch khuyến mãi, mời đưa con đến trung tâm ngoại ngữ học thử. Lại có những cuộc gọi mời hợp tác làm giàu, đầu tư chứng khoán, đánh bạc trực tuyến…

Cũng bị làm phiền quá nhiều, anh Lê Hoàng Hùng (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) chia sẻ: "Sau các cuộc gọi chào mời, em đều đã chặn số. Nhưng chặn số này hôm sau lại có số khác gọi đến. Bạn bè, người thân hay công việc ở cơ quan, em đều liên hệ qua Zalo hoặc tin nhắn Facebook và các nền tảng khác. Đúng là bây giờ giữ số điện thoại nhiều khi chỉ tổ nghe cuộc gọi rác".

Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ, mọi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo được gửi tới người dùng mà không được sự đồng ý của người dùng, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9, Luật Giao dịch điện tử đều bị coi là "rác". Trong quá trình thực hiện giải pháp kiểm soát sim trôi nổi (sim "rác"), các cơ quan chức năng đã thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông với hơn 12 triệu số thuê bao. Thế nhưng, các cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn chưa bị chặn, hằng ngày, hằng giờ vẫn gây phiền hà cho người dân bất kể giờ làm việc, giờ nghỉ trưa hay những ngày cuối tuần.

Anh Lê Văn Quốc, chuyên gia độc lập về công nghệ thông tin lý giải, theo quy định của các nhà mạng, mỗi người có thể đăng ký tối đa ba sim chính chủ tại mỗi nhà mạng. Với năm nhà mạng, một người có thể đăng ký 15 sim. Như thế, một công ty "săn" khách hàng qua điện thoại với 100 nhân viên là đã sở hữu 1.500 sim (đầu số) để "giội bom" người dùng. Chưa kể, nhiều người vẫn tìm đến chợ đen để mua "sim rác chuẩn hóa".

Ngoài ra, các cuộc gọi không mong muốn còn có thể xuất phát từ các thuê bao chính chủ. Đó là hiện tượng đối phó: khi cơ quan chức năng tăng cường xử lý thuê bao di động vi phạm, không ít doanh nghiệp sử dụng các thuê bao cố định để tiếp tục phát tán cuộc gọi rác.

Tăng cường thanh tra, xử phạt

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena, kiến nghị: Các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền, lừa đảo người dân ngày càng tinh vi. Để ngăn chặn tệ nạn này, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên thu hồi sim rác. "Cơ quan chức năng phải làm nghiêm, xử phạt mạnh để răn đe bởi có nghịch lý, chính sim rác là một nguồn doanh thu rất lớn cho nhà mạng. Bởi chưa cần biết cuộc gọi hay tin nhắn dạng gì, cứ có cuộc gọi và tin nhắn phát sinh là nhà mạng có doanh thu" - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, để giải quyết nạn sim rác, các nhà mạng cam kết sẽ xem xét dừng hoạt động các đại lý tạo ra thuê bao rác. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử phạt rất nghiêm nếu phát hiện đại lý của các nhà mạng phát triển thuê bao tạo ra thuê bao rác. Tùy theo mức độ vi phạm, sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới từ ba đến 12 tháng.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới đây, những cuộc gọi của các cơ quan công quyền sẽ được định danh. Số lạ nào gọi đến người dân mà xưng là cơ quan công quyền là lừa đảo. Đối với các cuộc gọi rác, các doanh nghiệp đăng ký quảng cáo phải đăng ký số thuê bao cho thương hiệu. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử phạt các thuê bao có cuộc gọi quảng cáo mà không đăng ký tên thương hiệu.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng viễn thông không nghiêm túc thực hiện việc xử lý sim rác. Chỉ khi làm sạch thông tin thuê bao mới có thể giảm các hệ lụy từ việc đối tượng xấu sử dụng sim rác, gây hại cho xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa thông tin thuê bao, đồng thời tập trung thanh tra trên diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông di động. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là với tệp thuê bao đang sử dụng, sở hữu nhiều sim.

Hiện nay, Tổng đài điện thoại 5656 do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vận hành, tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Để đăng ký từ chối cuộc gọi rác và tin nhắn rác, người dùng soạn tin nhắn theo cú pháp: DK DNC gửi 5656.