Giải pháp căn cơ cho thị trường xăng dầu

Giai đoạn vừa qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới thay đổi chóng mặt, nay tăng-mai giảm với biên độ bất thường, không theo một quy luật nào cả. Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đau đầu với bài toán kinh doanh, còn các đại lý bán lẻ càng khó hơn gấp bội.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng mua xăng trên phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai
Khách hàng mua xăng trên phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai

"Hết xăng, nghỉ bán", tấm biển bất đắc dĩ?

Cái khó nhất đối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chính là việc làm sao để lỗ ít nhất trong khi vẫn phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối gặp khó khăn thì các đại lý bán lẻ lại càng khó hơn gấp bội vì những điều khoản khắt khe của hợp đồng về chiết khấu bán hàng khá cứng nhắc, nên khi giá cả lên xuống thất thường, chưa kịp điều chỉnh có thể làm doanh nghiệp lỗ vốn.

Thí dụ như tiền chiết khấu, hay gọi là hoa hồng bán hàng, chỉ thu được 500 đồng cho một lít xăng mà giá xăng lại giảm 800 đồng/lít thì chắc chắn là lỗ vốn 300 đồng/lít rồi. Vậy nên mới có chuyện "càng bán càng lỗ" như có chủ cây xăng đã phát biểu, nên đành treo biển "hết xăng" cho dù đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh.

Hơn nữa, khi kinh doanh lỗ, các doanh nghiệp đại lý bán lẻ nhỏ lại không được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn nên càng "bất khả kháng" dù có muốn phục vụ những bạn hàng, khách hàng thân thiết, cư dân khu vực từng gắn bó bao năm đi nữa. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp đầu mối vừa có năng lực tài chính tốt, vừa có trách nhiệm xã hội cao vì là các tập đoàn lớn của Nhà nước, nên vẫn phải căng mình ra bán hàng, dù có bị lỗ, để ổn định thị trường và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiệu ứng đám đông cũng góp phần không nhỏ vào việc thiếu xăng dầu "giả". Hệ thống bán lẻ xăng dầu của chúng ta khá rộng lớn, hầu như tuyến đường nào cũng có chỗ đổ xăng, có lẽ là để phục vụ hàng chục triệu xe máy ngày đêm di chuyển trên đường. Nên nếu cây xăng này báo "hết", bà con cần bình tĩnh di chuyển đến các cây xăng khác gần đó để mua, tránh tâm lý hoang mang, căng thẳng, tạo nên áp lực lớn cho một số điểm bán.

Những bất cập của thị trường xăng dầu trong những ngày này, thiết nghĩ, không phải do cơ chế, chính sách của Nhà nước. Nếu có thì chỉ là quy định cứng "10 ngày" điều chỉnh giá xăng dầu một lần khiến giá cả không theo kịp thị trường, gây nên những bất cập kể trên.

Cách can thiệp tốt nhất là dùng chính sách tài khóa

Để giải quyết được vấn đề thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, trong lúc các nhà máy lọc hóa dầu của nước ta đang đáp ứng được khoảng 70-80% tổng nhu cầu trong nước, ngoài việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ bảo đảm đủ nguồn cung ứng xăng dầu trong nước, cần giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định.

Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, nghĩa là điều chỉnh thuế và phí đánh lên xăng dầu. Thậm chí Nhà nước có thể dùng ngân sách bù lỗ cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong tình huống khủng hoảng cung ngắn hạn, như đã từng hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực. Bài toán tăng khối lượng dự trữ quốc gia về xăng dầu theo Luật Dự trữ quốc gia cũng cần được tính đến.

Suy cho cùng, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế và giá xăng dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Vậy nên, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế. Bên cạnh đó, chấp nhận chi phí hợp lý trong logistics và phân phối xăng dầu để doanh nghiệp hạch toán đúng, đủ giá thành cũng là giải pháp quan trọng.

Ngày 13/10 vừa qua, tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ trước Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, trả lời cử tri về tình hình cung ứng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Ngoài các nguyên nhân khách quan, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu vì chúng ta đã có các cơ chế, chính sách cụ thể nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan cần phải kịp thời, hiệu quả hơn, tránh phản ứng chính sách chậm. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình, trong đó nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…

Chúng ta đã có khá đầy đủ các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh xăng dầu. Đó là các Luật Thương mại, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, các luật về thuế và phí, lệ phí,… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu điều hành giá cả xăng dầu sao cho vừa bảo đảm các quy định của pháp luật, vừa sát với tình hình thực tế của thị trường với những cơ chế, chính sách linh hoạt mà vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng. Nói cách khác, khi xử lý hài hòa được yêu cầu "định hướng xã hội chủ nghĩa" và "thị trường", thị trường sẽ ổn định.

Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng trở nên gay gắt, chuyển thành xung đột địa chính trị, địa kinh tế Đông-Tây, làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đảo ngược lại quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại toàn cầu,… nên giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu, sẽ còn lên xuống thất thường trong trung hạn. Do đó, vấn đề phản ứng chính sách kịp thời là rất quan trọng.

Khi mới chỉ có khói mà phát hiện ra được vấn đề để xử lý thì chắc khó mà thành đám cháy to được. Thị trường rất khốc liệt nhưng cũng rất đỏng đảnh, tinh tế, có khi chỉ cần điều chỉnh nhỏ là đã giải quyết được vấn đề. Bắt mạch trúng vấn đề của thị trường và có giải pháp đúng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật của đất nước. Vì xét cho cùng, xăng dầu là một trong những trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia.