Giải cứu thần tượng

Mọi người đều bình đẳng và cùng lúc độc đáo theo cách của riêng mình. Vì thế việc tôn sùng quá mức một ai đó vốn đã tiềm ẩn sự bất thường. Thần tượng cũng là một loại tình cảm với nhiều cung bậc, khi vượt quá ngưỡng sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường. Ðiều đáng lo ngại là trong xã hội phát triển, thứ tình cảm này có chiều hướng "lạm phát".

Nhiều nhóm nhạc K-pop tạo sức hút khá lớn với fan Việt.
Nhiều nhóm nhạc K-pop tạo sức hút khá lớn với fan Việt.

Nan y

Nhắc đến "thần tượng" ngày nay người ta sẽ nghĩ ngay đến các nhân vật giải trí chủ yếu là ca sĩ, diễn viên, cầu thủ... nổi tiếng. Nhưng từ "thần tượng" nguyên nghĩa là "hình ảnh của người đã chết".

Ngày nay, sự nổi tiếng, trở thành thần tượng của nhiều người không còn liên quan nhiều đến mức độ tài năng hoặc sức sáng tạo của nghệ sĩ. Nhân vật có nhiều người hâm mộ (fan) nhất nhiều khả năng không phải người tài giỏi nhất, mà là người gây nhiều tai tiếng nhất. Có những ca sĩ chuyên đạo nhạc, đạo cả phong cách trình diễn, khi bị phanh phui thì các fan là lực lượng đầu tiên lên tiếng bảo vệ.

Khi nghệ thuật giải trí trở thành ngành kinh doanh béo bở, tình yêu mù quáng của người hâm mộ là thứ mà các ông bầu cần tạo ra để đạt lợi nhuận. Việc có một lượng người cuồng mộ nhất định sẽ tốt cho hình ảnh của sao. Nhất là ngày nay, trong kinh doanh ngành hàng thần tượng, mọi thứ đã trở thành công thức, quy trình. Ðẳng cấp, sự khác biệt của các thần tượng nhiều khi nằm ở độ kỳ dị trong cách thể hiện của người hâm mộ. Gần đây truyền thông thế giới "rúng động" vì hình ảnh các học sinh khấu đầu trước poster của một nhóm nhạc. Hành động tưởng chừng rất "sáng tạo" này ông bầu hoàn toàn có thể dàn dựng được. Nếu sự hâm mộ dễ lây lan theo hiệu ứng đám đông thì cách hâm mộ cũng thế. Chả lẽ fan Nhật đã khấu đầu mà fan Việt lại không nỡ hôn ghế (thần tượng đã ngồi)?!

Ở các nền công nghiệp giải trí phát triển, để trở thành thần tượng, các nam thanh nữ tú phải trải qua quá trình tập luyện vất vả đã đành. Khi thành thần tượng rồi, họ cũng chẳng được thoải mái hơn. Không ít trường hợp ngôi sao là đối tượng khát khao của hàng triệu người trên thế giới vẫn phải tự kết liễu cuộc đời tưởng như đáng ước ao của mình. Sự quan tâm thái quá của người hâm mộ hẳn cũng góp phần làm cuộc sống của sao thêm căng thẳng. Ðôi khi thần tượng bị dọa giết chỉ vì... có người yêu. Nếu không thì chính fan cuồng sẽ tự vẫn cũng vì lý do đó.

Việc chết theo thần tượng không hiếm. Ở Mỹ, hàng chục người hâm mộ quyên sinh khi Michael Jackson qua đời. Ðôi khi sự quên mình của người hâm mộ đạt đến mức khó lý giải. Các fan Trung Quốc tổ chức sinh nhật cho thành viên nhóm EXO đúng ngày xảy ra động đất Tứ Xuyên khiến dư luận lên án. Chỉ vì lời công kích trên mạng: "Nếu toàn bộ nhóm EXO chết thì chắc các fan cũng làm ma cho cả đấy", một người hâm mộ đã cứa cổ tay mình rồi tung ảnh kèm lời nhắn: "Nếu các bạn muốn làm các anh ấy chết, tôi sẽ chết cho các bạn xem." Một fan khác phụ họa: "Nếu các bạn còn nói xấu EXO, tất cả chúng tôi sẽ cắt cổ tay tự sát".

Những câu chuyện tương tự về độ điên cuồng chết chóc phát sinh từ tình cảm hâm mộ còn tiếp tục nối dài ngày nào còn ngành công nghiệp giải trí, có lẽ vậy. Cuộc khảo sát trên 833 thanh thiếu niên Trung Quốc cho thấy, những người cuồng mộ thần tượng nhạc pop và vận động viên thể thao có hiệu quả làm việc, lòng tự trọng và sự thấu hiểu bản thân thấp hơn người bình thường. Tình trạng trên càng trầm trọng hơn ở những đối tượng tiếp xúc nhiều với giọng nói và hình ảnh của thần tượng qua các phương tiện nghe nhìn. Hình ảnh thanh niên sành điệu ngày nay lúc nào cũng đeo tai nghe, mặt cắm vào màn hình tinh thể lỏng. Có thể đó chính là lúc họ sẵn sàng phơi nhiễm với loại virus mang tên "thần tượng".

Lối thoát

Theo nhà nghiên cứu McCutcheon, Rense Lange và James Houran, bản tính hướng nội và sự thiếu vắng các mối quan hệ xã hội trong thực tế khiến người hâm mộ càng dồn sự tập trung vào thần tượng, nhanh chóng dẫn đến việc trở thành cuồng mộ. Thời đại ngày nay, người sống ảo (gọi là "cư dân mạng") nhiều càng tạo điều kiện cho ngành kinh doanh thần tượng giăng lưới.

Các nhà nghiên cứu so sánh tình trạng hâm mộ mức độ nặng có cơ chế giống như mắc nghiện. Tình trạng sức khỏe tâm lý của những người cuồng mộ có xu hướng kém và bất ổn hơn người không thần tượng ai. Khoảng cách từ đó đến các hội chứng rối loạn tâm lý, tâm thần, trầm cảm... không xa. Trong khi Mark Chapman- kẻ giết John Lennon cách đây 1/4 thế kỷ- vẫn đang thụ án, Lady Gaga nhận được thư của "người hâm mộ" dọa giết sau đó tự vẫn. Rồi sẽ đến lúc cần các trại cai thần tượng như cai nghiện ma túy?!

Lớp trẻ cần được trang bị một tâm lý vững vàng, một nhân sinh quan lành mạnh trước khi thần tượng một ai đó. Một người trẻ có nền tảng giáo dục đúng đắn, được thấm nhuần các giá trị nghệ thuật phong phú từ sớm, chắc chắn sẽ không bị lóa mắt bởi các thần tượng giải trí. Một đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu thương và chăm lo đúng mức của người lớn sẽ không cảm thấy đơn độc để phải lấy thần tượng làm chỗ dựa tinh thần.

Có thể bạn quan tâm