Những khu công nghiệp hoang vắng
Do việc thu hút đầu tư ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn nên không ít khu, cụm công nghiệp hoang vắng, thưa thớt nhà đầu tư. Trong đó, phải nói đến Dự án khu công nghiệp Hoàng Mai 1 ở địa bàn các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai). Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch 289,67ha do Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Dù là một trong những khu công nghiệp được ghi vào danh mục ưu tiên phát triển và cũng đã hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng từ lâu, song đến nay chỉ có lèo tèo nhà đầu tư đăng ký thuê đất.
Tương tự, khu công nghiệp Đông Hồi, được quy hoạch tại hai xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc (huyện Quỳnh Lưu) cũng chỉ có một số dự án vào đầu tư như Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II… quá ít ỏi với 1.436ha diện tích quy hoạch ban đầu của khu công nghiệp. Hay một số khu công nghiệp khác ở các huyện miền núi, với quy mô hàng trăm ha nhưng cũng mới thu hút được một vài nhà đầu tư. Chẳng hạn như tại các khu công nghiệp Tri Lễ ở huyện Anh Sơn, khu công nghiệp Nghĩa Đàn ở huyện Nghĩa Đàn, đến nay mỗi khu công nghiệp này mới thu hút được hai doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất…
Nghệ An còn có 26 cụm công nghiệp đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư là 1.188 tỷ đồng. Trong đó, mới có 13 cụm công nghiệp đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, còn lại đang rất bề bộn, dang dở bởi cấp huyện làm chủ đầu tư nên chung tình trạng thiếu vốn, hạ tầng chắp vá. Theo đại diện một số nhà đầu tư, sở dĩ e ngại chưa quyết định đầu tư bởi hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu công nghiệp ở Nghệ An vẫn chưa đồng bộ rồi còn vướng công tác giải phóng mặt bằng hay dịch vụ logistics còn kém phát triển. Một thách thức nữa đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp.
Ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự nên chưa thể hoạt động trong nhiều năm. Như Dự án khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (Tiền Giang) có diện tích 285ha, trước đây do Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm chủ đầu tư, được quy hoạch từ năm 2003, đến nay vẫn chỉ là khu đất bỏ cỏ mọc um tùm. Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) có vị trí đắc địa, rộng hơn 17ha vẫn chịu cảnh bị bỏ hoang hơn 12 năm. Ở một địa phương khác, khu công nghiệp Quảng Vinh, nằm ở xã Quảng Vinh và một phần xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 130ha được định hướng là khu công nghiệp tổng hợp, song đến nay vẫn bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cần kiên quyết xử lý các dự án khu công nghiệp chậm triển khai, thu hồi giao cho nhà đầu tư, giao lại cho doanh nghiệp đủ năng lực. Chính quyền địa phương phải thật cương quyết, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Quyết liệt xử lý
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi 21 dự án với tổng diện tích gần 90ha bỏ hoang không thực hiện. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Quyết định số 14/2022/QĐ-UBND quy định thu hồi đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đều tồn tại những khu công nghiệp chậm tiến độ, đang được các cơ quan chức năng xử lý. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, trong việc thu hồi lại dự án đối với trường hợp đất công giao cho doanh nghiệp thu hồi thì dễ, nhưng đối với đất của doanh nghiệp tự bồi thường thì rất khó. Chính vì vậy, khi thu hồi dự án chậm triển khai cơ quan chức năng phải phân loại từng trường hợp để có phương án thu hồi, bồi thường hợp lý.
Nhìn dài hạn, ngoài giải quyết các vướng mắc về đất đai, tại các dự án đã hình thành, đi vào hoạt động đòi hỏi phải có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, thuê đất sản xuất, kinh doanh. Theo Bộ Xây dựng, trong tổng số 369 khu công nghiệp được thành lập trong cả nước, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 53,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang chính sách thuận lợi, giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp nhiều hơn nữa. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, ngoài các chính sách thu hút doanh nghiệp, Nghị định 35 cũng đã quan tâm đến đời sống công nhân, bởi người lao động là linh hồn và sức sống của khu công nghiệp. Theo đó, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa…
Trở lại câu chuyện ở Nghệ An, để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, bên cạnh việc tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh đã nỗ lực cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư. Trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư, Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài như: xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã giảm, tạo điều kiện cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ về kết nối, tuyển dụng lao động.