Gặp tác giả, thêm yêu môn Ngữ văn

Lần thứ ba, Khoa Viết văn - Báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội mở lớp tập huấn “Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông”. Các học viên đã đến từ Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Gia Lai, Nha Trang, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía bắc. Cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các tác giả nổi tiếng, là những kinh nghiệm, mong mỏi chung quanh việc đổi mới cách dạy văn, học văn, cảm thụ tác phẩm văn học.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều thầy, cô giáo giao lưu với PGS, TS Đỗ Ngọc Thống và nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Nhiều thầy, cô giáo giao lưu với PGS, TS Đỗ Ngọc Thống và nhà văn Đỗ Bích Thúy.

PGS, TS Ngô Văn Giá, Chủ nhiệm lớp tập huấn:

“Kích hoạt cảm hứng thầy cô”

Đây là dịp để một số thầy giáo, cô giáo dạy ở các trường THCS, THPT từ nhiều địa phương được tiếp xúc trực tiếp với các nhà văn, nhà thơ. Bởi những thông tin, kiến thức từ các tác giả cung cấp tới bạn đọc nói chung và các thầy cô giáo nói riêng được xem là dữ liệu, nguồn tư liệu bổ sung, gợi ý để họ được hiểu sâu, hiểu đúng về giá trị, vẻ đẹp nghệ thuật tư tưởng trong tác phẩm. Ngoài ra, còn kích hoạt niềm cảm hứng của các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy.

Điểm thú vị tiếp theo của hình thức tập huấn này chính là đón đầu, đồng hành cùng bộ sách giáo khoa mới ở một số cấp học. Các thầy cô có điều kiện hiểu hơn về trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ “Bài hát về cố hương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, truyện ngắn “Muối của rừng” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Lắng nghe băn khoăn người dạy văn”

Tôi rất vui khi đến trò chuyện trực tiếp với các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc, những người sẽ giảng trực tiếp tác phẩm văn học ở Việt Nam và thế giới đến các em học sinh ở các cấp học, trong đó có tác phẩm của tôi. Tôi chỉ là người sáng tác, người đi trong cuộc đời này, điều gì vang lên trong tai mình, hiện lên trong mắt mình, đập trong tim mình thì cần phải bày tỏ để hiện diện. Sẽ không có một kinh nghiệm hay công thức viết nào trong sáng tác. Thơ là khoảnh khắc xuất thần. Chỉ trong không gian ấy, bối cảnh ấy và con người ấy, thơ ca đột nhiên xuất hiện.

Chúng tôi đã có buổi giao lưu, trò chuyện cởi mở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề liên quan tới văn chương mà các thầy cô băn khoăn trong quá trình giảng dạy. Tôi đã chia sẻ với các thầy cô, rằng tôi vô cùng biết ơn làng Chùa quê hương đã hun đúc, kết tạo tâm hồn thi ca trong tôi.

Học viên Bích Dậu, Trường THPT chuyên Thái Nguyên:

“Giáo viên buồn khi học sinh xem nhẹ môn văn”

Hiện nay, một số học sinh đang cuốn vào mạng internet, facebook, không dành thời gian đọc sách nói chung và văn chương nói riêng. Nhiều học sinh chỉ xem việc học môn văn để phục vụ cho thi cử. Còn sau đó các bạn theo đuổi đam mê, sở thích riêng của mình. Vì vậy, các em thường xem nhẹ môn học này… Đó cũng là lý do khiến đội ngũ giáo viên chúng tôi thấy buồn. Việc tôi được gặp gỡ lắng nghe các quan điểm, thế giới xúc cảm của các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trong sách giáo khoa là điều vô cùng tuyệt vời. Câu chuyện về tình người, tư tưởng nhân văn trong tác phẩm được các nhà văn, nhà thơ chia sẻ sẽ khiến bài giảng của chúng tôi thêm phong phú, thuyết phục.

Học viên Ngô Nguyễn Ngọc Dung, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh:

“Không ngại đường xa đến nghe tác giả”

Nhận thấy đây là kỳ tập huấn bổ ích nên tôi đã quyết tâm không ngại đường xa tới đây lắng nghe chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn. Điều đó giúp mỗi giáo viên tích lũy thêm kinh nghiệm, câu chuyện về từng tác phẩm cụ thể. Một số vấn đề, chi tiết giáo viên chưa hiểu cặn kẽ thì thông qua lớp tập huấn chúng tôi đã vỡ lẽ ra nhiều điều. Thí dụ, như hai câu thơ cuối trong bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi” thì trước giờ chúng tôi giảng về ý thơ là viết về những con người từng trải. Nhưng khi nghe nhà thơ Hữu Thỉnh phân tích thì câu thơ cũng đề cập về con người nhưng là con người đã kinh qua chiến tranh, chịu nhiều gian khổ, mất mát. Đến thời hòa bình cũng còn gặp những thách thức, khó khăn, phức tạp mới, nhưng điều đó không thể khiến con người chùn bước.

Học viên Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang, Khánh Hòa:

“Thêm cảm hứng đổi mới cách dạy”

Mỗi thầy cô đều có những cảm xúc riêng vì được gặp gỡ các tác giả, nhà văn, nhà thơ là người thật chứ không phải là trong sách vở. Những chia sẻ, trải nghiệm trong cuộc sống về quan niệm văn chương, quá trình sáng tác nên tác phẩm được chọn vào chương trình học trong nhà trường nói riêng, trong gia tài văn chương nói chung của các nhà văn đã truyền cho chúng tôi nhiều cảm hứng, khơi gợi những vấn đề mới mẻ, để từ đó đào sâu, đổi mới cách truyền giảng của từng giáo viên tới học trò.