EU đẩy mạnh đàm phán FTA với các nước châu Á

Những ngày qua, Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy mạnh mẽ đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Á nhằm phát triển các chuỗi cung ứng công nghệ sạch đáng tin cậy, mở ra khả năng xuất khẩu mới.
Cuộc gặp giữa hai phái đoàn EU và Ấn Độ tại Brussels. Ảnh: AFP
Cuộc gặp giữa hai phái đoàn EU và Ấn Độ tại Brussels. Ảnh: AFP

Hướng tới thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với Ấn Độ

Tại Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu về thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic đã tiếp đón phái đoàn do Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal dẫn đầu trong khuôn khổ Đối thoại cấp cao thương mại và đầu tư EU-Ấn Độ. Cuộc gặp nhằm đánh giá tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU-Ấn Độ, tập trung vào các lĩnh vực then chốt mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Hai bên nhất trí hướng tới một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại mà còn hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng công nghệ sạch đáng tin cậy, phù hợp nhu cầu kinh tế dài hạn.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Ủy viên Maros Sefcovic nhấn mạnh quan hệ đối tác EU-Ấn Độ không chỉ có ý nghĩa hiện tại mà còn mang tầm chiến lược lâu dài. Ông cho biết, hai bên đã có những trao đổi sâu rộng nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để thúc đẩy thương mại và đầu tư lên một tầm cao mới. Với định hướng cụ thể, các nhóm đàm phán sẽ tiếp tục duy trì tiến độ tích cực trong thời gian tới.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về cuộc họp toàn thể lần thứ hai của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Ấn Độ sắp tới để đánh giá tiến độ hợp tác trong các lĩnh vực liên quan. EU coi Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng và cam kết thúc đẩy Chương trình nghị sự chiến lược EU-Ấn Độ. Các cuộc đàm phán về một FTA toàn diện, cân bằng và tham vọng, cùng với các thỏa thuận về bảo hộ đầu tư và chỉ dẫn địa lý, đang được đẩy mạnh kể từ khi tái khởi động vào năm 2021.

Tái khởi động đàm phán hiệp định cân bằng với Malaysia

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vừa chính thức tuyên bố tái khởi động đàm phán về một hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng, mới mẻ và cân bằng giữa EU và Malaysia.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia, với kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 45 tỷ euro vào năm 2023 và thương mại dịch vụ đạt 11 tỷ euro vào năm 2022. Thống kê cho thấy trong số các nước thành viên EU, Đức hiện là đối tác thương mại lớn của Malaysia kể từ năm 2000 trong khi Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong số các nước châu Á. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 5,9% lên 13,56 tỷ USD, cao hơn so mức 12,79 tỷ USD trong năm 2022. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp Đức đặt trụ sở ở Malaysia, tạo ra khoảng 65.000 việc làm.

EU nhận định mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Malaysia, một nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh và an ninh kinh tế của EU với các cơ hội kinh doanh mới và chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, mở ra khả năng xuất khẩu mới và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu. Hiệp định thương mại tự do này sẽ hướng tới việc xây dựng mối quan hệ đối tác EU-Malaysia dựa trên cam kết mạnh mẽ về quyền lao động, bảo vệ khí hậu và môi trường, đồng thời thúc đẩy sự tham gia chiến lược của EU vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng.

Sau cuộc gặp Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic đánh giá cao việc khởi động lại các cuộc đàm phán về FTA với Malaysia. Ông nhấn mạnh đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh địa-chính trị đang thay đổi phức tạp. Ủy viên Maros Sefcovic cũng bày tỏ tin tưởng FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả EU và Malaysia, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên. Hiệp định này sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mà còn góp phần tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm an ninh kinh tế cho cả EU và Malaysia.