Trong đánh giá mới nhất về bất bình đẳng toàn cầu có tựa đề “Takers Not Makers” (tạm dịch là “Người hưởng lợi chứ không phải đối tượng tạo ra của cải”), công bố ngày 20/1, Oxfam ước tính tài sản của các tỷ phú đã tăng 2.000 tỷ USD vào năm ngoái. Mức tăng này tương đương khoảng 5,4 tỷ USD/ngày, nhanh gấp 3 lần so năm 2023.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, hầu hết tài sản của các tỷ phú là “do tước đoạt chứ không phải do tạo ra của cải vật chất và 60% của cải đến từ thừa kế, thân hữu hay bè phái, tham nhũng hoặc quyền lực độc quyền. Thế giới bất bình đẳng sâu sắc có lịch sử lâu dài từ sự thống trị của thực dân, phần lớn mang lại lợi ích cho những người giàu nhất. Những người nghèo nhất, những người bị phân biệt chủng tộc, phụ nữ và các nhóm thiểu số đã và đang bị bóc lột một cách có hệ thống”.
Khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và xung đột tiếp tục tạo gánh nặng và khiến cho người sống dưới ngưỡng nghèo theo thước đo của Ngân hàng Thế giới (WB), với mức dưới 6,85 USD/ngày, hầu như không có thay đổi về tài sản kể từ năm 1990. Hiện nay thế giới có gần 3,6 tỷ người, chiếm 44% dân số, nằm trong nhóm này. Cứ 10 người phụ nữ thì có một người sống trong cảnh cực kỳ nghèo đói (dưới 2,15 USD/ngày).
Trong khi đó, 1% người giàu nhất đang sở hữu 45% tổng tài sản của nhân loại. Báo cáo đã chứng minh sự giàu có cực độ của tầng lớp tỷ phú hiện nay phần lớn không phải do kinh doanh tự thân. Họ vận động hành lang, tài trợ cho chiến dịch tranh cử hoặc đầu tư vào đâu, đều là “sản phẩm” của mối quan hệ hữu cơ giữa những người giàu có và quyền lực. Năm 2023, lần đầu có nhiều tỷ phú giàu lên nhờ thừa kế hơn là tự thân. “Các tỷ phú là những người hưởng lợi chứ không phải người tạo ra tài sản”, báo cáo kết luận.
Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập cũng thể hiện rõ giữa các quốc gia. Theo đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình đang phải chi gần 50% ngân sách quốc gia để trả nợ. “Thế giới ngày nay vẫn mang tính thuộc địa theo nhiều cách. Trung bình, người Bỉ có quyền biểu quyết tại WB cao hơn 180 lần so Ethiopia. Hệ thống này vẫn trích xuất của cải từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và chuyển vào túi cho 1% giới siêu giàu ở các nước phát triển với tốc độ 30 triệu USD/ giờ”, nghiên cứu của Oxfam nêu ra.
Sự bất bình đẳng kinh tế được phản ánh trong những tiến bộ và phúc lợi xã hội. Một trong những tác động rõ nhất là đến tuổi thọ khi hiện nay, tuổi thọ trung bình ở châu Phi chỉ dưới 64, thấp hơn người châu Âu (trung bình 79) hơn 15 năm. Khoảng 80% số quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã cắt giảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, y tế hoặc bảo trợ xã hội; 90% quốc gia đã tụt lùi về quyền lao động và mức lương tối thiểu. Nếu không có các hành động chính sách khẩn cấp để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này, bất bình đẳng kinh tế, khoảng trống giàu - nghèo gần như chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng ở 90% các quốc gia trên thế giới.
Oxfam kêu gọi chính phủ các nước đánh thuế những người giàu nhất để giảm bất bình đẳng và sự giàu có cực độ cũng như để “phá bỏ chế độ quý tộc mới”. Tổ chức này kêu gọi thực hiện các bước đi như phá vỡ các công ty độc quyền, giới hạn mức lương của các giám đốc điều hành và quản lý các tập đoàn để bảo đảm họ trả “mức lương đủ sống” cho người lao động.