Sắc lệnh do ông Trump ký ngày 20/1/2025 nêu rõ lý do Mỹ rút lui là “WHO đã xử lý không thích đáng trong đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác, không thông qua cải cách cần thiết cấp bách…”. Ngoài ra, Mỹ cáo buộc WHO tiếp tục yêu cầu Washington “các khoản thanh toán nặng nề và bất công”, không tương xứng với các khoản đóng góp của các nước lớn khác.
Sắc lệnh là bước đầu tiên trong tiến trình rút Mỹ khỏi WHO, dự kiến kéo dài một năm. Song, ông Trump đã chỉ đạo thực hiện các bước đi ngay lập tức, với tốc độ nhanh nhất. Cụ thể là tạm dừng chuyển giao các khoản đóng góp, hỗ trợ cho WHO; điều chuyển nhân sự, nhà thầu Mỹ đang làm việc với WHO; xác định các đối tác tin cậy, minh bạch để thay thế đảm nhận các hoạt động; hủy bỏ Chiến lược an ninh y tế toàn cầu của Mỹ năm 2024...
Mỹ trở thành một phần của WHO ngay khi tổ chức y tế đa phương này ra đời năm 1948. Việc rút lui khiến Mỹ trở thành cường quốc duy nhất đứng ngoài tổ chức gồm 194 quốc gia thành viên, đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, ngăn chặn và ứng phó dịch bệnh. Là nhà tài trợ lớn nhất, Mỹ đóng góp khoảng 18% kinh phí hoạt động của WHO trong tài khóa 2024-2025. Ngân sách của WHO giảm gần một phần năm sau quyết định của Mỹ, qua đó làm suy yếu năng lực của WHO trong việc ứng phó dịch bệnh và điều phối hợp tác trong trường hợp đại dịch bùng phát trên toàn cầu.
Việc rút khỏi WHO còn ảnh hưởng trực tiếp sự tương tác giữa Mỹ với các nước trong ứng phó trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu. Ngừng hợp tác với WHO cũng đồng nghĩa chấm dứt chia sẻ thông tin và phối hợp kỹ thuật, vốn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong ứng phó dịch bệnh, mà còn đem lại lợi ích lớn cho chính ngành y tế của Mỹ, nhất là phát triển vaccine, dược phẩm, các phương pháp điều trị bệnh...
Quyết định rút Mỹ khỏi WHO không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực và hoạt động của WHO, mà với cả khả năng ứng phó đại dịch, cũng như hợp tác quốc tế của nước Mỹ trong lĩnh vực y tế.