El Nino và kịch bản ứng phó

Nắng nóng có thể đến sớm và gay gắt hơn năm 2022 do thời tiết có xu hướng nghiêng về pha nóng trong những tháng mùa hè năm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiệt độ vào giai đoạn giữa cuối tháng 3 năm nay có thể cao hơn từ 0,5 -1 độ C so với trung bình nhiều năm.
Nhiệt độ vào giai đoạn giữa cuối tháng 3 năm nay có thể cao hơn từ 0,5 -1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Nắng nóng xuất hiện từ tháng 3

Đang là mùa xuân, theo dự báo, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ thời gian tới vẫn có khả năng ảnh hưởng các đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina (pha lạnh) duy trì đến hết mùa xuân (với xác suất khoảng 50-60%), sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè (với xác suất khoảng 65-75%). Những tháng cuối năm 2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng. Không loại trừ khả năng hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ quay trở lại vào các tháng cuối năm 2023.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sự chuyển pha từ La Nina sang El Nino trong mùa hè năm nay sẽ chi phối và tác động đến thời tiết nước ta. Nắng nóng năm nay có khả năng đến sớm và gay gắt hơn so với năm 2022. Trong đó, nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Nam Bộ ngay trong tháng này. Sau đó gia tăng về cường độ và lan dần sang khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào các tháng 4 và 5. Cao điểm của nắng nóng năm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tập trung từ tháng 6 đến tháng 8, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Dự báo nền nhiệt trên cả nước thời kỳ này có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.

Tại Hà Nội, Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng đưa ra dự báo, mùa hè năm nay, vùng Thủ đô có thể xuất hiện sáu đến tám đợt nắng nóng, tập trung trong khoảng từ đầu tháng 6 đến nửa đầu tháng 8, trong đó có khoảng hai đến ba đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

Còn theo ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa nắng nóng ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ năm nay đến sớm và kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Cụ thể, tháng 3/2023, dự báo nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn mọi năm, khả năng xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng ở khu vực Đông Nam Bộ và ven biên giới Tây Nam với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C. Dự báo trong tháng 4, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương... nắng nóng hơn 39 độ C.

Cần có kịch bản ứng phó hạn hán

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia khí tượng thủy văn cũng vừa đưa ra cảnh báo, mùa hè năm nay sẽ có nắng nóng hơn các năm gần đây. TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia thời tiết và biến đổi khí hậu, dẫn theo số liệu từ 12 mô hình khí hậu của ba trung tâm dự báo uy tín thế giới (GFS, ECMWF, CMC) cho hay, nhiệt độ vào giai đoạn giữa cuối tháng 3 năm nay có thể cao hơn từ 0,5 -1 độ C so trung bình nhiều năm. "Như vậy, sẽ có sự thay đổi nhiệt độ từ lạnh và mát sang nắng nóng một cách khá đột ngột kể từ giữa tháng 3. Sự thay đổi này nếu tình cờ xảy ra tại một điểm chênh lệch nhiệt độ ở các tầng khí quyển khác nhau có thể gây mưa rào cục bộ hoặc mưa đá ở phạm vi hẹp. Dù nhiệt được dự báo có cao hơn trung bình nhiều năm nhưng tháng 3 chưa phải là tháng cao điểm của nắng nóng. Tháng cao điểm sẽ vào khoảng tháng 5, 6, và 7", TS Ngọc Huy nói.

Theo TS Ngọc Huy, dữ liệu cập nhật cho thấy El Nino sẽ chiếm ưu thế từ tháng 5 năm nay. Khả năng nước ta phải đối diện với hạn hán và nắng nóng. Theo ông, điểm lạ ở các đợt không khí lạnh gần đây là chỉ gây mưa ở phía đông bắc và vùng ven biển, ít gây mưa ở phía tây. Trong khi phía tây là vùng thượng nguồn bổ sung lượng nước lớn cho các hồ thủy điện, trong đó có hai hồ thủy điện lớn là Sơn La và Hòa Bình, đồng nghĩa với việc nguồn nước bổ sung cho hồ chứa ít đi. Ở khu vực Bắc Trung Bộ cũng vậy, mưa chủ yếu ở vùng ven biển nên các hồ chứa ít được bổ sung nước, bao gồm cả hồ thủy điện và hồ thủy lợi. Nếu mực nước các hồ tụt thì sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện và giảm sản lượng điện. Nguy cơ thiếu điện cục bộ ở phía bắc trong mùa hè tới đây khá cao do sản lượng điện giảm và nhu cầu về điện gia tăng do nắng nóng.

Hiện tại ENSO (giai đoạn trung tính) đang chiếm ưu thế nhưng chỉ kéo dài trong khoảng từ nay đến giữa tháng 5. Từ cuối tháng 5 trở đi El Nino khả năng cao chiếm ưu thế dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn (thậm chí El Nino có thể kéo dài qua năm 2024). "Ảnh hưởng của El Nino khiến các con sông cạn dần nước, nước ngầm bị tụt giảm, trong khi nắng nóng và gió khô nóng chiếm ưu thế. Nếu La Nina ảnh hưởng chỉ trong thời gian có mưa lụt thì El Nino thường ảnh hưởng kéo dài và âm ỉ. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố ven biển sẽ trở nên trầm trọng. Tây Nguyên cũng sẽ khô hạn và kéo theo nhiều hệ lụy. Thiếu nước cho sinh hoạt, thiếu nước cho thủy điện và cho nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng", vị chuyên gia thời tiết phân tích.

Trước những nguy cơ được dự báo như vậy, ngay từ bây giờ, người dân cần chuẩn bị các kế hoạch tiết kiệm, bảo tồn nguồn nước, chủ động về thời vụ. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch, duy tu toàn bộ hệ thống cống, trạm bơm nhằm phục vụ công tác phòng, chống hạn hán. Sẵn sàng lập kế hoạch ứng phó những kịch bản khí hậu cực đoan với cấp độ nắng nóng tăng dần có thể xảy ra do hiện tượng ấm lên toàn cầu.