Rừng trồng mới thay thế rừng đã mất?
Hồ thủy lợi Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và có quyết định bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Đồng thời, phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, huyện Hàm Thuận Nam nằm trong vùng nhiều nắng, gió, khô hạn nhất nước. Trong khi đó, các công trình thủy lợi ở khu vực hiện mới đáp ứng tưới khoảng 26% đất trồng cây hằng năm. Nếu chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, khu vực này đang thiếu khoảng 100 triệu m3/năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận khẳng định, việc xây dựng hồ Ka Pét về nguyên tắc là tích nước tự nhiên, ngăn dòng chảy để nước dâng lên chứ không phải đào rừng lên để tạo thành hồ chứa nước.
Tuy nhiên, nỗi lo mất rừng và trồng rừng thay thế là băn khoăn lớn nhất của các nhà khoa học ở dự án này, khi mà tỉnh Bình Thuận sẽ phải sử dụng hơn 600 héc-ta rừng (trong đó có hơn 137 héc-ta rừng đặc dụng) chuyển mục đích sử dụng để làm dự án. Nhằm thay thế cho hơn 600 héc-ta diện tích rừng bị ngập tại hồ thủy lợi Ka Pét, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát trồng mới với diện tích 1.844 héc-ta (gấp ba lần diện tích rừng dùng để xây dựng hồ Ka Pét). Được biết dự kiến Bình Thuận hoàn thành trồng rừng thay thế vào năm 2025 - cùng thời điểm kết thúc dự án xây hồ Ka Pét.
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung - Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng nêu quan điểm: Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800-1.150 mm/năm. Bởi vậy muốn trồng 1.844 héc-ta rừng thay thế cho hơn 600 héc-ta rừng nhường chỗ cho xây dựng hồ Ka Pét, phải tính đến việc tổ chức trồng các loại cây rừng bản địa, do chúng có tán lá rậm, hệ rễ phát triển và khả năng chống chịu gió bão tốt, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp như mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài,…
"Theo tôi, nếu tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch được đất trồng rừng thay thế và bố trí được kinh phí rồi, thì phải tiến hành ngay việc trồng rừng thay thế chứ không phải đợi sau khi khởi công hồ Ka Pét mới tiến hành trồng rừng thay thế", ông Lung đề xuất.
![]() |
Bản vẽ mô phỏng hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÌNH THUẬN |
Không đánh đổi môi trường...
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, dự án hồ thủy lợi Ka Pét không phải là dự án đầu tiên được dự định chuyển đổi rừng để xây dựng các công trình kinh tế. Theo ông Huân, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đã đề cập rất rõ về chương trình phát triển bền vững, theo đó phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Ông Huân cũng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đã thể chế Nghị quyết của Đảng bằng rất nhiều văn bản luật, trong đó đề cập rất nhiều đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một khi đã nhất quán rồi, các cấp quản lý rồi các chủ dự án đều phải tuân thủ các chủ trương, nghị quyết nói trên.
Nêu quan điểm của mình, chuyên gia Tô Văn Trường cho rằng, thực tế đã chứng minh hệ thống công trình thủy lợi ở nước ta là giải pháp hữu hiệu nhất góp phần to lớn trong việc trị thủy, phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nhờ có các hồ thủy lợi như Sông Sắt, Sông Than, Tân Giang, Cà Giây... mà các vùng đất này đã thay đổi cơ bản về cảnh quan và môi trường. Tuy nhiên, cũng có những bài học đắt giá, một số hồ chứa nước xây dựng theo cách tiếp cận truyền thống, chưa quan tâm đúng mức đến cách tiếp cận lợi ích tổng hợp cho nên hiệu quả thấp, như hồ chứa nước Ia Mơr ở Gia Lai và Đắk Lắk, hồ chứa Bản Mồng ở Nghệ An v.v. Người dân Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phần lớn là dân nghèo, do đó điều kiện sống rất khó khăn khi đất đai chịu khô hạn thường xuyên, rất cần nguồn nước. Vấn đề là khi làm công trình tạo nguồn nước phải làm sao cân đối hài hòa giữa bảo đảm lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, trước khi triển khai một dự án như hồ chứa nước Ka Pét, thiết nghĩ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần phải được phía Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt sớm. Bên cạnh đó, cần mời nhóm chuyên gia độc lập có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và bản lĩnh tham gia cùng Hội đồng hoặc mời họ phản biện rà soát đánh giá lại về việc xây dựng dự án, coi đó như đối chứng để yên lòng dân. "Theo tôi, đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét, những vấn đề cần rà soát cụ thể, gồm: Nhu cầu dùng nước thực tế cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cấp nước sinh hoạt; các giải pháp phi công trình, chuyển đổi theo hướng thích nghi tối đa có thể, để tránh việc phá rừng tự nhiên; các giải pháp cấp nước, trong đó có phương án xây dựng hồ; phân tích lựa chọn giải pháp tốt nhất, việc phân tích cần khách quan và tường minh trong kiểm đếm các lợi ích và tác động", chuyên gia Tô Văn Trường đề xuất.
Nhìn chung, với mỗi dự án phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta luôn cần quy trình triển khai công khai, minh bạch. Và hơn hết, tư duy không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần phải được thấm nhuần trong đội ngũ những người đóng vai trò quan trọng trong quản lý và thực thi chính sách phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước.