Cuộc thi và Triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 5 năm

Đừng để "áo gấm đi đêm"

Triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm được tổ chức lần đầu vào năm 1973, tại Hà Nội. Năm nay là phiên thứ sáu của sự kiện này và cũng là phiên đầu tiên của định kỳ mới: 5 năm. Chính vì vậy, sự kiện rất được giới mỹ thuật nói chung, giới điêu khắc nói riêng mong chờ.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2013-2023.
Không gian trưng bày Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2013-2023.

Chất liệu bền vững đã chiếm ưu thế

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, Triển lãm có 15 tác phẩm mang tính chất sắp đặt hoặc ghép từ nhiều đơn vị điêu khắc lại thành một tác phẩm. Trong phần còn lại, tức là dạng tác phẩm điêu khắc thuần túy, lại có hơn 50% số tác phẩm có ba chiều kích thước chỉ dưới hoặc bằng 100 cm, gọi là tượng bày trong phòng (tượng tròn, tượng salon). Trong đó có những bức điêu khắc có chiều chỉ 12 cm: Trên sân ga của Hà Trí Dũng, chất liệu đồng, kích thước 19x12x50 cm, sáng tác năm 2015. Bức thứ hai của tác giả này cũng có kích thước thuộc hàng nhỏ nhất triển lãm: Phiêu bồng, đồng, 45x21x19 cm (không ghi năm sáng tác).

Hơn 20 sáng tác có hai chiều kích thước dài hơn 100 cm, mở rộng lối cho tác giả thể hiện khả năng làm chủ chất liệu, quán xuyến ngôn ngữ tạo hình. Tuy nhiên, trong số này, không ít tác phẩm thuộc dạng phù điêu, treo trên tường tương tự một sáng tác hội họa, chứ không phải là điêu khắc chiếm lĩnh không gian ba chiều như thói quen hình dung số đông công chúng.

Gần 70 sáng tác có một chiều đạt kích thước hơn 100 cm. Nhưng trong số này, có không ít tác phẩm được làm từ các loại chất liệu thép, nhôm mành, dạng dây chứ không phải là chiều cao với tạo hình khối vốn đòi hỏi nhiều thao tác kỹ thuật xử lý chất liệu phức tạp.

Thực tế, sự "hoành tráng" của điêu khắc không hoàn toàn phụ thuộc vào kích thước tác phẩm mà phần lớn ở tinh thần của tác giả thể hiện được trong đó. Tuy nhiên, một tác phẩm điêu khắc sẽ có sức hấp dẫn về mặt thị giác cũng như khả năng chiếm lĩnh không gian-đúng tinh thần của bộ môn nghệ thuật này nếu như nó được thực hiện với một chiều kích vật lý nhất định. Chưa kể, việc trưng bày ở không gian rộng lớn của Bảo tàng Hà Nội, cả ở bên trong và bên ngoài tòa nhà gây cảm giác tác phẩm như bị không gian chung quanh "nuốt" thay vì chiếm lĩnh nó.

Bù lại, như nhận xét của nhiều người trong giới chuyên môn, điểm nổi bật của triển lãm lần này chính là sự chiếm ưu thế của chất liệu bền vững - chất liệu thật sự của nghệ thuật điêu khắc, cho thấy sự chuyên nghiệp của người làm nghề: đá, gỗ, kim loại như đồng, nhôm, thép không gỉ, sắt hàn... Đây là bước chuyển biến thú vị, cho thấy sự chuyên chú đi sâu vào những thử thách chuyên môn nghệ thuật thuần túy của giới điêu khắc, với nỗ lực quan tâm sâu sắc đến ngôn ngữ tạo hình vốn gắn liền chất liệu và khả năng làm chủ chất liệu/kỹ thuật xử lý chất liệu. Có lẽ vì vậy chăng mà kích thước trung bình của tác phẩm trong kỳ triển lãm này nhỏ hơn hẳn mọi khi. Thực tế, chi phí cho chất liệu và quy trình hoàn thiện tác phẩm bền vững cao gấp nhiều lần so việc dùng chất liệu thạch cao, composite, vốn khá phổ biến trong các kỳ triển lãm trước. Số lượng tác phẩm được làm từ chất liệu composite lần này có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong Triển lãm, công chúng có cơ hội tiếp cận những bức tượng bằng đồng nguyên khối mà bay bổng, khoáng hoạt của nhà điêu khắc gạo cội Tạ Quang Bạo, tượng gỗ thanh tao của nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan, những đường nét sắc lạnh mà không kém lãng mạn với sắt hàn của Nguyễn Trường Giang...

Đừng để "áo gấm đi đêm" ảnh 1
Một phần tác phẩm Mảnh ghép, tác giả Hà Mạnh Chiến, bị đổ vương

vãi trên sàn (ảnh chụp trong chiều 17/9).

Cần thay đổi cách tổ chức

Với 225 tác phẩm trưng bày, chưa kể tác phẩm góp mặt của chín thành viên Hội đồng nghệ thuật, nếu người xem chỉ đơn giản dành một phút cho một tác phẩm thì thời gian đi xem khuôn viên trưng bày rộng hàng nghìn mét vuông này cũng mất tối thiểu là 4-5 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, bảo tàng chỉ mở cửa theo giờ hành chính từ 8 giờ sáng, nghỉ trưa từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút, và đóng cửa muộn nhất lúc 17 giờ, cũng không có cơ sở dịch vụ ăn uống, ngoại trừ một số máy bán nước giải khát tự động. Chưa kể, bảo tàng lại đóng cửa vào thứ hai hằng tuần. Đây là một sự bất tiện lớn cho người muốn thưởng lãm trọn vẹn một kỳ triển lãm điêu khắc nhiều năm mới có.

Mặt khác, số lượng tác phẩm trưng bày lớn nhưng không có bất kỳ một chỉ dẫn về tham quan bảo vệ tác phẩm nào được đặt để công khai cho khách thăm, dẫn đến việc nhiều trẻ em đi theo cha mẹ đã sờ, chạm vào tác phẩm, thậm chí hồn nhiên dịch chuyển một vài đơn vị tác phẩm.

Trong ngày chủ nhật 17/9, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một số tác phẩm "được" khán giả tương tác theo chiều hướng không tích cực, như ôm đơn vị tác phẩm để chụp ảnh check-in (con cua bằng vải, tác phẩm Bội thu, tác giả Phạm Vân) rồi chạy đi, khiến phụ huynh phải nhắc nhở hồi lâu; làm đổ một số đơn vị tác phẩm xếp trên sàn (Mảnh ghép, tác giả Hà Mạnh Chiến), phần thóc trải theo luống trên sàn thuộc tác phẩm Giấc mơ số 5 của Nguyễn Minh bị đá vương vãi, văng ra cả khu vực lối đi lại chung quanh... Bên cạnh đó, có một số tác phẩm được hoàn thiện với chất liệu mảnh, như sợi kim loại vươn dài, hoặc mảnh thủy tinh (Cuốn theo chiều gió của Nguyễn Thùy Dương, Thời gian nhẹ khâu trái tim tôi của Đinh Thị Thùy Linh), mà không có bất kỳ một cảnh báo nào về khoảng cách với người xem, nhằm tạo sự an toàn chung cho người xem và tác phẩm... Đây là những lỗi sơ đẳng trong trưng bày một triển lãm nghệ thuật, điều tưởng như không thể xảy ra đối với nhà tổ chức.

Nhìn chung, triển lãm điêu khắc toàn quốc kỳ này có nhiều điểm sáng về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, cách thức tổ chức còn sơ sài, đơn giản và không phù hợp tính chất loại hình đã phần nào tác động đến khả năng biểu đạt của tác phẩm nghệ thuật, cũng như không thu hút được công chúng đông đảo. Đây là điều đáng tiếc, gây lãng phí ngân sách nhà nước chi cho việc tổ chức cũng như sự đầu tư sáng tạo và kinh phí của hàng trăm tác giả khắp mọi miền đất nước.

Cuộc thi và triển lãm có sự tham gia của 385 tác giả với 536 tác phẩm. Ban tổ chức chọn được 225 tác phẩm của 164 tác giả để trưng bày. Hội đồng nghệ thuật không chọn được giải nhất. 16 tác phẩm được chọn trao giải: ba giải nhì, ba giải ba và 10 giải khuyến khích. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, từ ngày 15/9 đến 10/10/2023.