Hành trình thiện nguyện
Chị Vũ Thu Hà, một người đã có nhiều đóng góp cho chương trình Sách hóa nông thôn vừa trở về đất liền sau hành trình một mình ra đảo Lý Sơn với nhiệm vụ phủ kín tủ sách đến các trường học từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở tại huyện đảo này. Tốt nghiệp Học viện Tài chính và đang là Giám đốc một công ty TNHH, tình cờ gặp anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, chị trở thành một trong những thiện nguyện tích cực nhất hiện nay.
Chị kể, nhìn thấy một thực trạng thiếu sách ở các vùng nông thôn rất phổ biến. Các em học sinh rất thích đọc nhưng không có sách phù hợp dành cho các em. Chị háo hức lên kế hoạch lập tủ sách cho một số trường học tại quê hương ở huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định). Nhưng chị đã khá bất ngờ khi gặp không ít rào cản, trong đó có việc một số thầy, cô giáo chưa coi trọng việc khai trí cho các em nhỏ qua việc khuyến khích đọc sách. "Trường của chúng tôi đã có thư viện và còn nhiều việc phải làm hơn", chị đã nhận được lời từ chối đắng lòng như thế. Nhưng rồi hành trình đưa sách về quê hương của chị đã thành công, khi các tủ sách lần lượt được lập với mỗi tủ gần một trăm đầu sách tại các trường tiểu học như: Nam Đồng, Nam Thành, Nam Giang, trường trung học cơ sở Bắc Sơn... Và theo chị nói, động lực để mình kêu gọi bạn bè bỏ tiền túi với mục tiêu mỗi tháng tặng mỗi trường một tủ sách sau khi tận mắt thấy các học sinh ở thôn quê rất yêu thích đọc sách, qua đây các em được nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo. "Một cậu bé lớp bảy đã chia sẻ với tôi sau khi đọc một câu chuyện trong cuốn Bách khoa tri thức: Cô ơi, con cho rằng, người ta có thể làm sống lại loài khủng long, nhưng môi trường sống hiện nay bị ô nhiễm, bị phá hủy, và dù người ta có thể làm sống lại loài khủng long nó cũng không tiếp tục sống nổi trong môi trường như thế, nên người ta đã không làm cho nó sống lại nữa. Mỗi lần được nghe những câu chuyện hồn nhiên mà không kém phần sâu sắc của các em như thế càng thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn", chị Thu Hà nói.
Nhà giáo Ưu tú Dương Lệ Nga cho biết, chị đến với chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cũng hết sức tình cờ. Đang trong giờ đứng lớp chị phát hiện một học sinh lén đọc sách. Chị bước tới nhẹ nhàng nhắc nhở và thu lại cuốn sách, hứa cuối giờ sẽ trả lại cho em học sinh. Cầm cuốn sách chị rất ngạc nhiên khi thấy ở trang đầu cuốn sách có ấn dấu triện: Tủ sách dòng họ Lương, và ghi số thứ tự như sách ở thư viện.
Qua tìm hiểu chị mới biết đến chương trình này. Không lâu sau cuộc gặp giữa chị và người khởi xướng Nguyễn Quang Thạch, đã giúp đưa trường trung học cơ sở An Dục (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) trở thành ngôi trường đầu tiên trong cả nước có tủ sách mang tên "Tủ sách phụ huynh". Đây là mô hình tủ sách mà chương trình tài trợ một khoản kinh phí, số tiền còn lại do phụ huynh đóng góp. Sự nhiệt thành của các bậc cha mẹ vùng thôn quê này sau đó đã lan tỏa để "Tủ sách phụ huynh" dần phát triển trong toàn huyện.
"Hiện nay ở nhiều trường học ở Quỳnh Phụ đã dành khoảng 15 phút trong giờ chào cờ để các học sinh giới thiệu những cuốn sách hay. Điều này kích thích các em chưa được đọc cuốn sách ấy sẽ tìm đọc. Với cách làm khuyến đọc như thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ đã có một chuyên đề bàn về đổi mới giờ chào cờ đầu tuần" - chị cho biết. Đặc biệt quan trọng, tính đến nay bậc cha mẹ học sinh ở các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương đã góp tiền, chung sức xây dựng hơn 2.800 tủ sách cho con cái họ. Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã quyết định nhân rộng tủ sách phụ huynh ra toàn tỉnh.
Đánh thức cộng đồng cùng chung tay
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình hiện đang trong quá trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi được khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015. Anh là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí ở cơ quan nhà nước và từng làm việc cho một số tổ chức quốc tế. Chuyến đi bộ xuyên Việt của anh lần này là mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.
Anh Nguyễn Quang Thạch sinh ra trong một gia đình ở Sơn Lễ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) mà ông nội là người từng giúp thay đổi nhiều người nông dân nghèo bằng cách hỗ trợ trâu bò và ruộng đất để họ tự tạo sinh kế cho bản thân. Kế đến, cha anh là một sĩ quan quân đội nghỉ hưu đã dành gần 20 năm dạy toán miễn phí cho hàng trăm trẻ em nghèo trong làng. Được đọc nhiều sách trong hơn 4.000 đầu sách báo của gia đình để lại, Nguyễn Quang Thạch đã có các sáng kiến cá nhân cũng như định dạng được mình từ rất sớm. Và như anh cho biết bước vào năm thứ hai đại học, ở tuổi 22 anh đặt mục tiêu trở thành người tiên phong về thư viện. Từ đó đến nay, anh đã dành 18 năm cho khát vọng của mình. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam ra đời theo mong muốn của anh là nhằm giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn. Mà theo anh là để nâng cao dân trí, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Tâm nguyện của anh là tạo ra một hệ thống thư viện mi-ni rộng khắp cả nước để mọi người dân thôn quê có thể tiếp cận tri thức. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đến nay đã thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm.
Điều đáng mừng chương trình nay được nhân rộng có sự nhập cuộc của nhiều bạn trẻ. Từ Thị Thủy, sinh năm 1993, đang là sinh viên năm cuối của Học viện Hành chính Quốc gia, hồi tháng 3-2015 đã xây dựng cho quê hương em ở thôn Đồng Mạ (xã Võ Tranh, huyện Lục Nam, Bắc Giang) một tủ sách với gần một trăm đầu sách. "Quê em rất nghèo, các em nhỏ rất thiếu sách đọc, xây dựng tủ sách nhỏ cho trẻ em nơi quê nhà, em mong muốn các em được trang bị những kỹ năng sống, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em"- Thủy chia sẻ.
Trước đây tại Thái Bình, các em chỉ đọc có bốn đầu sách một năm, sau 5 năm thực hiện "Tủ sách phụ huynh", nay các em đã đọc trung bình lên tới 30 đầu sách một năm.