Đưa huyền tích đến khán giả hiện đại

Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nam (nay là Đoàn Nghệ thuật Chèo thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) đã dựng một số vở chèo khai thác những huyền tích ở địa phương, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa dấu ấn văn hóa, bồi đắp thêm những giá trị mới trong đời sống xã hội, điển hình là: “Thi Sơn huyền tích”, “Đất thiêng nơi Mả Dấu”, “Huyền tích bến Lảnh Giang”…
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở “Huyền tích bến Lảnh Giang”.
Cảnh trong vở “Huyền tích bến Lảnh Giang”.

“Thi Sơn huyền tích” khởi dựng năm 2016 dựa trên huyền tích ở vùng núi Cấm (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng). Nội dung xoay quanh chuyện tình đẹp nhưng đẫm nước mắt của chàng Trúc và nàng Thi. “Đất thiêng nơi Mả Dấu” khởi dựng năm 2019, từ huyền tích lưu truyền vùng Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) - quê nội của Vua Lê Đại Hành với việc ông nội ngài được hổ táng, ngôi mộ ấy còn được gọi là Mả Dấu, hiện vẫn còn dấu tích nơi đây. “Huyền tích bến Lảnh Giang” khởi dựng năm 2020 là vở chèo được tạo dựng từ hình ảnh Quan lớn Đệ Tam được thờ ở đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên).

Tuy đề tài từ huyền tích xưa song khán giả vẫn cảm nhận được những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc mà không hề cũ, những thông điệp rất đời, rất mới hôm nay. Mối tình chàng Trúc - nàng Thi không chỉ dừng lại ở một thiên diễm tình, mà qua đó còn gửi gắm những thông điệp chưa bao giờ cũ. Đó là những kẻ mưu mô, thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng; là minh chứng sâu sắc về sức mạnh của tình đoàn kết trong cộng đồng, xã hội sẽ luôn chiến thắng mọi tai ương, dịch bệnh, cường quyền, ác bá. Hình ảnh Lê Hoàn dày công khổ luyện, dốc lòng, dốc sức lập nghĩa quân mưu cầu việc nước ở quê nội Bảo Thái để rồi có ngày dân làng hân hoan đón Thập đạo tướng quân về thăm quê sau khi ông cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã để lại bài học sâu sắc ngợi ca những con người biết hy sinh và dấn thân vì cộng đồng; ngợi ca tình làng nghĩa xóm, luôn đùm bọc, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau khi gặp gian khó, nguy nan… Hình ảnh Quan lớn đệ tam giúp người xem hiểu hơn về công lao của vị danh thần có công giúp dân chiến thắng giặc ngoại xâm và vượt qua lũ lụt ổn định cuộc sống, đã nêu lên thông điệp rất đời rằng cái đẹp, cái thiện, công lý không phải tự nhiên có được mà là thành quả của cuộc chiến đấu sinh tử với cái xấu, cái ác, cái bất công, bạo quyền.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Mai Thành Chung: “Huyền tích là nguồn tư liệu quý giá, luôn gắn bó với đời sống tinh thần, phản ánh tâm thức, khát vọng của nhân dân. Đưa những đề tài này lên sân khấu chèo là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động, dễ tiếp cận và cũng là cách thức quảng bá về con người và mảnh đất Hà Nam đến với đông đảo khán giả yêu nghệ thuật truyền thống. Các huyền tích thường chứa đựng bài học nhân văn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc”.