Một tầm nhìn lâu dài cần theo đuổi
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 là đồ án quy hoạch xây dựng vùng, tiếp nối đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 5/5/2008) với tầm nhìn giữ nguyên tới năm 2050, nhưng thay đổi về thời gian nghiên cứu và phạm vi gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội (đã được mở rộng địa giới hành chính) và chín tỉnh chung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.
Dự báo Thủ đô Hà Nội sẽ có dân số đạt ngưỡng gần 10 triệu người, tham gia vào hệ thống các siêu đô thị (Mega city gồm các đô thị có 10 triệu dân trở lên) như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc)... góp phần tạo thành chùm đô thị cực lớn vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Dân số ước tính đến năm 2030 khoảng 21-23 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa 55-60%, trong đó khoảng 12-13 triệu lao động tại chỗ và nhập cư.
Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, các tỉnh trong vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh và toàn vùng.
Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là tam giác tăng trưởng mạnh nhất vì đây là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tăng cường thông qua việc thiết lập các trung tâm tài chính-thương mại, nghiên cứu-phát minh khoa học, hội nghị-hội thảo, thể dục-thể thao, không gian di sản và du lịch quốc tế... Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô - trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học-kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia (trung tâm tài chính bắc sông Hồng; trung tâm hội chợ; trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa tây Hồ Tây...), các khu nghiên cứu-đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc...); Trung tâm văn hóa-lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì...), Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa-lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).
Các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội, Hà Nội-Hà Nam, Hà Nội-Thái Nguyên); khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị; cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (núi, sông, suối, hồ...), ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa; hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng.
Mô hình quản lý mang tính đặc thù
Trong quá trình thực hiện, Hà Nội cần tận dụng năng lực cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa về lợi thế địa lý của vùng, tập trung cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải (đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không); phát triển các loại hình giao thông mới, hiện đại; phát triển hệ thống giao thông công cộng đa dạng phù hợp các đô thị; tập trung nguồn lực hoàn thiện các tuyến cao tốc và vành đai vùng (vành đai 4 kết nối đối ngoại của Thủ đô và vành đai 5 kết nối các đô thị đối trọng tại các tỉnh trong vùng).
Cũng cần nhấn thêm một ý tưởng mới về các tuyến đường sắt nội vùng: kết hợp nâng cấp một số tuyến đường sắt quốc gia tạo thành mạng lưới đường sắt nội vùng với tám tuyến vận tải hành khách, kết nối trung tâm Hà Nội đến các thành phố trung tâm các tỉnh trong bán kính 60-80 km. Các tuyến đường sắt nội vùng sẽ kết nối với đường sắt đô thị: Xây mới hệ thống đường sắt đô thị tại trung tâm Hà Nội. Kết nối đường sắt đô thị khu vực tam giác trọng điểm Hà Nội-Bắc Ninh-Vĩnh Phúc thông qua các trung tâm tiếp vận đầu mối.
Nhìn ra quốc tế, chúng ta thấy có ba mô hình phổ biến trong quản lý vùng liên tỉnh ở các nước đã phát triển có thể tham khảo:
Một là, quản lý vùng không gian lãnh thổ bằng cách hình thành thêm một cấp hành chính mới là chính quyền vùng. Mô hình này được áp dụng ở Pháp, Anh, Thái Lan. Ưu điểm của hình thức quản lý vùng này là tính hợp hiến, chức năng và quyền hạn rõ ràng, hoạt động chuyên nghiệp. Nhược điểm của hình thức quản lý này là cồng kềnh vì thêm một cấp quản lý hành chính, dễ va chạm với chức năng và quyền tự chủ của chính quyền các tỉnh trong vùng.
Hai là, quản lý vùng không gian lãnh thổ bằng cơ quan của Chính phủ Trung ương, thí dụ như Cơ quan điều phối vùng hay mô hình Ban chỉ đạo. Mô hình này được áp dụng ở Anh (ngoại trừ vùng Thủ đô London), Pháp (trước năm 1982). Ưu điểm của hình thức quản lý vùng này là gọn nhẹ, triển khai nhanh các chương trình và dự án quốc gia. Nhược điểm là chưa chú ý đến quyền lợi của mỗi địa phương và điều hòa quyền lợi của các địa phương trong vùng.
Ba là, quản lý vùng không gian lãnh thổ bằng một cơ quan hay tổ chức do các chính quyền tỉnh, thành phố trong vùng liên kết với nhau cùng thỏa thuận lập ra và quy định các chức năng hoạt động. Mô hình này tương tự như Hội đồng vùng khá phổ biến ở các nước mà địa phương được phân quyền và tự quản ở mức độ lớn như Mỹ, Nhật Bản. Ưu điểm của hình thức này là gọn nhẹ, dễ dàng thành lập hay giải thể, tập trung giải quyết một số vấn đề liên địa phương nhất định. Nhược điểm là trọng lượng tiếng nói của cơ quan quản lý vùng không cao.
Quy hoạch vùng Thủ đô đang được TP Hà Nội chủ động triển khai nhiều dự án mang vị thế của "Thành phố nhạc trưởng". Song song đó, cần xây dựng một mô hình quản lý phát triển vùng có tính đặc thù để không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo dựng vị thế, gìn giữ bản sắc đô thị.