Bài ca khắc khoải trên sóng nước Bến Hải…
Không phải ngẫu nhiên mà sau ngày hòa bình, có một bài thơ thường được ngâm trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam như một niềm vui có tính biểu tượng, đấy là bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà. Nói về sự hàn gắn sau bao nhiêu năm đằng đẵng cắt chia:
… “Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu/Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải/Cầu vừa bắc xong/Sơn còn tươi rói/Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng / Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng/ Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ/ Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ/ Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau / Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu/ Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái/ Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại/ Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…”.
Bài thơ có tính biểu tượng ấy là của nhà thơ Cảnh Trà (tên thật là Đặng Đức Cảnh, quê Nam Đàn, Nghệ An) khi ông trở lại dòng sông của vĩ tuyến 17, dòng sông và cây cầu gắn một thời lăn lộn với chiến trường, từ thuở đạn bom đến một ngày đám cưới qua sông. Bài thơ không cầu kỳ, nhưng tứ thơ lại ăm ắp ngôn ngữ biểu tượng. Và nói về sự hàn gắn, sự lành lại của vết thương, không có gì ý nghĩa hơn câu chuyện của tình duyên.
Bài hát đầu tiên về khát vọng thống nhất hàn gắn trên con sông này cũng là câu chuyện của một mối tình- Câu hò bên bờ Hiền Lương. Đó là chuyến đi “thực tế” vào vĩ tuyến 17 của chàng nhạc sĩ trẻ mới ngoài 20 tuổi-Hoàng Hiệp. Đi tìm nguyên mẫu của những tác phẩm để đời trong văn học nghệ thuật viết về miền đất giới tuyến này, chúng tôi mới biết người đàn ông trong hồi ức của nhạc sĩ, người khởi nguồn cho Câu hò bên bờ Hiền Lương chính là Phan Văn Đồng, vốn quê ở thôn 9, Trung Giang-một làng cát bên bờ nam Cửa Tùng. Ông Đồng vừa cưới vợ xong thì tập kết qua bên này, làm nhân viên đài khí tượng hải văn Cửa Tùng. Trong một lần lên ngọn đèn biển ấy với người gác đèn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp chứng kiến nỗi khắc khoải của người đàn ông nhớ người vợ bên kia bờ vĩ tuyến. Và ngay đêm đó, những ý tứ hình hài của bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương đã phôi thai. Sau đó, cùng với nhạc sĩ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng vạn trái tim. Bởi câu chuyện ấy không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương, chuyện của riêng mảnh đất Quảng Trị mà có sức khái quát sự ngăn cách của hàng vạn đôi lứa ở hai miền nam, bắc những năm tháng ấy. Chung quanh bài hát còn nhiều câu chuyện buồn vui khác, nhưng dù sao đi nữa, tiếng gọi khắc khoải yêu thương trong câu hát ấy đã biến thành sức mạnh, góp phần đẩy nhanh công cuộc thống nhất đất nước. Sau năm 1975, ông Phan Văn Đồng, người công nhân trạm khí tượng hải văn Cửa Tùng ấy đã gặp lại vợ con mình. Câu chuyện của ông Đồng cũng là câu chuyện của hàng nghìn gia đình đã may mắn có ngày đoàn viên sau hơn 20 năm chia ly cách biệt.
Bởi thế, từ câu hát bên ven bờ Hiền Lương ấy cho đến ngày gặp đám rước dâu qua cầu Bến Hải không chỉ là câu chuyện lứa đôi mà đó còn là khát vọng của đất nước.
Khi tỉnh Quảng Trị bị chia làm đôi sau Hiệp định Geneva, huyện Vĩnh Linh cũng bị chia ra một phần nhỏ nằm phía bờ Nam, các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Liêm ngày đó có vài thôn làng nằm về bên kia sông. Một xóm bị chia hai, một “quãng lội” chia hai, một gia đình bị chia hai.
Không biết bao nhiêu lần, mỗi khi về đây hỏi chuyện những ngày bên này bên kia giới tuyến, mọi người ai cũng kể rằng, thời đó, khi người thân ở bờ Nam mất, đám tang được đưa thành một hàng dài bên này sông, cứ thế đi dọc bờ sông, bờ bên kia, con cháu cũng cứ thế vừa đi vừa bái vọng qua bờ bên này. Có nhà văn viết hình ảnh hơn: “Không phải chỉ có hai đoàn người mà có đến bốn đoàn người đưa tiễn, hai đoàn người đi trên hai bờ và bóng của hai đoàn người in xuống mặt nước sông Bến Hải, cứ thế đi dọc theo lũy tre ra tận đồng làng”.
Bởi thế, câu chuyện phân ly hai miền nam-bắc gắn với Hiệp định Geneva không chỉ “vĩ mô” với sự tham dự của các cường quốc Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và các nước Đông Dương ở thành phố Geneva xinh đẹp bên bờ hồ Léman. Với những người nông dân Quảng Trị ở đôi bờ Bến Hải, khái niệm “vĩ tuyến ” là một cái gì mơ hồ, nhưng lại rất cụ thể trong chính từng mảnh làng, trong chính gia đình của họ.
Vợ chồng ông Châu - bà Dĩnh (ảnh chụp năm 2004). |
Và tình yêu bất tử trước cách chia
Cái quãng đường dọc con sông ấy, bây giờ tôi đang chạy xe ở phía bờ Nam, đi qua các thôn Xuân Hòa về Xuân Long, Bạch Lộc của xã Trung Hải. Bờ sông đã được kè bê-tông, đẹp như công viên. Tròn hai mươi năm trước (năm 2004), cũng trong chuyến đi tìm kiếm những nhân vật “chứng nhân” của cuộc phân ly nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Geneva và những chuyến tàu tập kết, khi về thôn Xuân Hòa này tôi đã may mắn tìm gặp được nhân vật của những câu chuyện tình cảm động. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Châu ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải (huyện Gio Linh). Ngôi nhà nằm cạnh bờ sông, từ bến nước sau nhà nhìn lên chiếc cầu mới phục chế không đầy 100m, nhìn qua bờ bắc nơi có Đồn công an vũ trang Hiền Lương và chiếc cổng chào “tiền đồn” cũng chỉ rộng khoảng ngần ấy, vậy mà suốt tuổi thanh xuân của vợ chồng ông đã đành đoạn chia biệt bên ni-bên nớ. Tham gia kháng chiến từ năm 1947 khi mới 15 tuổi, năm 1953 gia đình dạm hỏi cô Dĩnh người cùng làng. Ông Châu vượt sông về, vùng quê ông hồi đó còn tề ngụy, ngày đám cưới ông núp trên... trần nhà, nhìn xuống vợ một mình bái lạy trước bàn thờ gia tiên. Bọn tề đánh hơi được ông về cưới vợ đã theo dõi rất chặt, đêm đó ông lên lại chiến khu mà chưa thấy rõ mặt vợ mình. Hơn một năm sau Hiệp định Geneva ký kết, ông Châu chưa kịp tìm về quê nhà thì cầu Hiền Lương đã chia làm đôi với hai mầu sơn khác nhau. Ông Châu được điều động về đơn vị Công an vũ trang Hiền Lương phía bờ Bắc, bà Dĩnh ở lại bờ Nam để vừa làm cơ sở cách mạng, vừa phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi em nhỏ.
Trên một đoạn sông vài cây số ở phía bờ Nam nhưng có rất nhiều đồn cảnh sát, lính tráng ken dày, kiểm soát gắt gao. Dù biết được tin chồng mình đang ở bên ấy nhưng bà Dĩnh không thể nào gặp được. Bà nghĩ ra cách phải xuống bờ sông giả bộ giặt giũ áo quần để nhìn sang bên đó coi hình dáng chồng mình thế nào, thấp hay cao, béo hay gầy... Như biết được ý định của vợ, mỗi lần thấy bà xách xô áo quần xuống sông là ông giả bộ đi tuần. Đến đoạn đối diện nhau ông giả vờ đằng hắng để bà liếc mắt sang.
“Lúc đầu tui nghe thấy ông đằng hắng nhưng hôm đó cách nhau đoạn sông rộng nên chỉ thấy dáng người nhỏ bé, chớ có nhìn thấy mặt được mô”, bà Dĩnh kể lại. Lần sau bà Dĩnh thường chọn đoạn sông hẹp nhất (khoảng 50m) để nhìn mặt chồng. Nhưng cũng chỉ được vài lần thì bọn cảnh sát phát hiện nên những lần sau bà làm động tác lấy tay nghiêng vành nón để liếc mắt qua ông Châu.
Ông Châu cười hề hà, bảo: “Lúc ấy ở bên ni sông tui ngắm nhìn bà thoải mái lắm, nhưng bên nớ bà mần răng mà nhìn tui được 1 phút...”. Nhiều hôm nhớ chồng bà Dĩnh lại tìm cách ra bờ sông vài lần, khi thì đi trồng sắn, tắm giặt, lúc đi mò cua, bắt ốc... để được nhìn thấy bóng dáng người chồng thân yêu. Mãi đến cuối năm 1966 ông Châu nhận nhiệm vụ vượt tuyến vào nam, hoạt động ở vùng thượng nguồn Bến Hải. Cơ sở cách mạng bố trí đưa bà Dĩnh lên chiến khu để được gặp chồng. “Lần đầu tiên hai vợ chồng tui mới nhìn rõ mặt nhau, tui khóc, ông khóc làm cho nhiều người có mặt hôm ấy cảm động lắm, nhưng cũng chỉ nhìn được nhau, rồi tui nhận nhiệm vụ đi công tác” - bà Dĩnh nhớ lại giây phút hạnh phúc nhất của đời mình. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi cơ sở đưa bà Dĩnh vượt tuyến ra bắc. Trớ trêu thay, lần này ông Châu phải ở lại hoạt động ở miền nam... Cho đến khi đất nước thống nhất, vợ chồng ông Châu - bà Dĩnh mới được sống bên nhau. Những chứng nhân của câu chuyện chia ly và đoàn tụ ở đôi bờ sông tuyến, cùng với thời gian đã thành người thiên cổ, nhưng sự chia ly để rồi đoàn tụ của những đôi lứa ở hai bờ con sông này, những sự chia ly gắn với số phận đất nước luôn được nhắc nhớ và kể lại, để thấy quý giá vô cùng những ngày thường bình yên mà chúng ta có được từ khi đất nước thống nhất.
Mấy năm trước, khi tìm lại những câu chuyện đôi bờ Bến Hải, tìm gặp những cuộc tình may mắn được đoàn viên sau hơn hai mươi năm bị dòng sông chia cắt, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa - chú rể và cô dâu của đám cưới được rước dâu qua cầu Hiền Lương vừa mới được phục dựng lại, ngay sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết chỉ vài tháng và giới tuyến quân sự được dời chuyển vào sông Thạch Hãn. Nếu bài thơ của Cảnh Trà viết chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ thì câu chuyện rước dâu qua cầu Bến Hải đúng là của chàng trai Vĩnh Linh và cô dâu không phải là Cam Lộ mà lại là…Triệu Phong !
Nhà ông Nghi ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, bờ Bắc sông Bến Hải. Còn bà Hoa ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, phía bờ Nam sông Bến Hải. Một lần bà Hoa bí mật đưa thương binh ra miền bắc sau đó do bị lạc đường cô du kích Triệu Phong ấy đi vào làng Hiền Lương. Ông Nghi bấy giờ là du kích xã, giúp đỡ, đưa bà về khu nhà của đội du kích Hiền Lương tá túc một thời gian. Những ngày lưu lại bên bờ con sông tuyến đã làm tình cảm giữa hai người nảy sinh. Rồi sau khi bắt liên lạc với quê nhà, bà Hoa lại vượt sông Bến Hải trở lại Triệu Phong tiếp tục phục vụ tham gia kháng chiến. Sau cuộc gặp ấy, ông Nghi nhiều lần bí mật vượt sông vào Triệu Phong đi tìm người thương. Nhưng cũng chỉ được vài lần thì bị phát hiện. Khi Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, đôi lứa mới gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Đám cưới của họ được đưa thành một hàng dài đi qua cây cầu sắt vừa bắc xong sơn còn tươi mới, bà con đôi bờ vĩ tuyến đứng thành hai hàng trên cầu vỗ tay thay cho tiếng pháo đón dâu mừng hạnh phúc.
Hơn năm mươi năm rồi, ông bà tuổi đã ngoài thất thập, sống bên nhau trong ngôi nhà nằm ngay mép nước Hiền Lương, nhưng tình yêu và ký ức về những tháng ngày bị cắt chia bởi lịch sử ấy vẫn xanh như mầu nước trên dòng sông vĩ tuyến!