Đồng hành để khơi gợi và nuôi dưỡng đam mê

Từ tuổi thơ, mỗi đứa trẻ đều vẽ ra ước mơ về sở thích, đam mê công việc mình yêu thích. Nhưng có bao nhiêu bậc cha mẹ thấu hiểu và đồng hành với những giấc mơ này giúp các em trưởng thành, tự tin bước vào đời? Chắp cánh cho con trong tương lai, điều cha mẹ cần nhất chính là gieo những "hạt giống" nuôi dưỡng ước mơ.
0:00 / 0:00
0:00
Cha mẹ có thể tham gia cùng con trong nhiều hoạt động để làm bạn với con. Ảnh: Thanh Hà
Cha mẹ có thể tham gia cùng con trong nhiều hoạt động để làm bạn với con. Ảnh: Thanh Hà

Khi giấc mơ của con vô tình bị "đánh cắp"

Nhiều người nói rằng, chỉ cần có ước mơ đẹp, nhân văn thì các em nhỏ sẽ vững tin bước vào đời. Một học sinh phổ thông mà chúng tôi gặp bộc bạch rằng, mong ước lớn lên trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của em được cha mẹ ủng hộ. Chia sẻ điều hạnh phúc này, em đã dành lời cảm ơn đến cha mẹ và hy vọng ước mơ của mình sẽ được chắp cánh vươn cao. Một học sinh khác ấp ủ khát vọng sẽ làm được một công việc có thể thay đổi cuộc sống, và khi thành công em có ước mơ nhân ái là giang tay giúp đỡ trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Khó có thể kể hết những giấc mơ giản dị mà đủ đầy tính nhân văn, sự tử tế mà các em nhỏ đang đeo đuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, không khó nhận thấy nếu ước mơ của trẻ đi ngược lại những suy nghĩ của một số bậc cha mẹ thì họ sẽ phủ nhận. Hành vi này của một số cha mẹ giống như "gáo nước lạnh" tạt vào lòng nhiệt huyết và sự tự tin của đứa trẻ. Khi trẻ lớn lên, ngay trong chuyện chọn ngành, chọn nghề, nhiều em cũng bị tước quyền lựa chọn ngành nghề mình yêu thích. Do phần đông cha mẹ vẫn thích con cái đi theo ngành nghề truyền thống như: bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo…, còn mơ làm những ngành nghề hơi khác lạ như ảo thuật gia, bác sĩ thú y hoặc khảo cổ học… sẽ lập tức bị phản đối, ngăn cản.

Kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện tại bảy tỉnh, thành phố cách đây không lâu, cho thấy nhiều học sinh chưa thật sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí… Một học sinh tại Đắk Lắk cho biết: "Em muốn học nghề nhưng cha mẹ lại muốn em học đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi nhưng không khả quan. Bố mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em!". Nhiều học sinh vì học thay cho cha mẹ, sống với ước mơ của người lớn, nên sau này lớn lên đã mang những "đôi giày không vừa chân" và bước đi không thể vững vàng. Thậm chí, có không ít học sinh đã bị trầm cảm, quẫn trí vì bị cha mẹ áp đặt và không được bay bổng với giấc mơ của riêng mình.

Nói về thực tế này, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận: Hiện nay, trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Điều đó không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu khả năng, mong muốn, sở thích, sở trường của con, không đặt mình vào con trẻ, thay vào đó đề ra những kỳ vọng rất lớn sẽ khiến cho trẻ căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Mỗi người sinh ra có năng lực, sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc, hội họa đi học bác sĩ. Vì vậy, chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ.

Nguyên nhân sâu xa của việc này, theo các chuyên gia, đến từ hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua nhiều thời đại, nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", và quan niệm trẻ "ngoan" là trẻ biết vâng lời cha mẹ. Vì thế, không ít cha mẹ thường lấy lý do "vì con" và "cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để ngụy biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Trên thực tế, dù cha mẹ nhân danh tình yêu để dẫn dắt, gò ép con thì điều này vẫn thường dẫn đến những hệ quả không mong muốn vì trẻ không được là chính bản thân mình.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý, việc "đánh cắp giấc mơ" sẽ làm thui chột động lực, niềm tin của con trẻ. Hệ quả là có một bộ phận giới trẻ thời nay sống mờ nhạt, không có ước mơ, khát vọng. Vì không có phương hướng, thiếu niềm tin nên họ thả đời mình trên những con thuyền, mặc nó đưa đẩy theo con nước chứ không tự chèo lái, đối mặt thử thách vượt thác ghềnh. Thực trạng này một phần xuất phát từ việc nuôi dạy con mang tính áp đặt, thiếu lắng nghe, thấu hiểu của một số bậc cha mẹ. Nhiều cha mẹ không biết cách nhen nhóm, tiếp sức nuôi dưỡng ước mơ theo sở trường của con cái, mà lại vô tình dập tắt, làm thui chột những mầm non đang đầy triển vọng.

Lắng nghe và thấu hiểu

Ông Khuất Văn Quý cho biết: Thời gian qua Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cùng các tổ chức xã hội thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm bảo đảm việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong đó đều có những nội dung liên quan việc trẻ em được lên tiếng, được bày tỏ ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bộ cũng tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ về công tác gia đình ở các cấp, các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng-bình đẳng-yêu thương.

Để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung, theo chuyên gia tâm lý, PGS, TS Lê Văn Hảo, trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta đều nên duy trì mối quan hệ tốt để đem lại ảnh hưởng tích cực cho con trẻ. Cha mẹ có thể thay đổi cách tương tác, lắng nghe con, chuyển từ áp đặt sang hỗ trợ. Cha mẹ phải là người hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Một khi chúng ta thay đổi, thì kết quả sẽ thay đổi. Ông Hảo cũng nhấn mạnh, cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực. Giáo dục tích cực cũng không phải là để con làm gì tùy thích mà là cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ.

Cụ thể hơn, theo giảng viên Khoa Tâm lý Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì trẻ lên 4, 5 tuổi bắt đầu có trí tưởng tượng nên đã biết hình thành những ước mơ sơ khai, thường là những gì lung linh, đẹp đẽ, xa rời thực tế. Tuy vậy, cha mẹ cần khuyến khích trẻ và giúp trẻ phấn đấu sống tốt hơn từ những hình tượng đó. Lớn hơn, những ước mơ của trẻ dần gần gũi với hiện thực, cha mẹ không chỉ động viên mà phải dẫn dắt, tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ của mình. Lúc này, ước mơ của trẻ bắt đầu phản ánh những bước đi nghề nghiệp, do đó, cha mẹ cần nắm bắt xem mong muốn của con có phù hợp với cá tính, khả năng, sở thích của con hay không, từ đó khéo léo giúp con thay đổi, hoàn thiện bản thân để chinh phục ước mơ.

Cha mẹ phải đồng hành, khơi gợi niềm đam mê của con. Tin rằng cha mẹ "vì lợi ích tốt nhất của con", "hiểu con" cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, những nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, những tiềm năng của bản thân, lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình.