Dồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân

Theo tính toán, chỉ cần đầu tư của kinh tế tư nhân (KTTN) tăng 1% sẽ mang lại mức tăng về giá trị tuyệt đối tương đương với việc đầu tư công phải tăng 2,5% và đầu tư nước ngoài phải tăng 3,5%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, cản trở quá trình mở rộng và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngân hàng hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều ngân hàng hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: NGUYỆT ANH

Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, với hơn 20 năm hoạt động trên thị trường, doanh nghiệp đã chứng kiến nhiều biến động về lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 6-7%/năm, so với mức 8-9% trong năm 2024 và 11-13% trong năm 2023.

Đây được xem là mức lãi suất thuận lợi, giúp doanh nghiệp sản xuất dễ dàng tiếp cận vốn để mua nguyên phụ liệu, chi trả lương cho người lao động và bảo đảm lợi nhuận. Nếu được duy trì ổn định đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực mở rộng sản xuất và tạo bứt phá về doanh thu.

Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn

Xác định phát triển KTTN là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp tư nhân nói riêng.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, trong năm 2024, ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường. Chưa dừng lại ở đó, hai tháng đầu năm nay, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2% - 0,5% sàn lãi suất cho vay ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, ngân hàng cũng triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô hơn 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường, bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN, Agribank dành nguồn vốn 240.000 tỷ đồng, áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với sự hỗ trợ tích cực của các ngân hàng thương mại (NHTM), hoạt động cấp tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt khoảng 6,91 triệu tỷ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) cũng sớm triển khai linh hoạt nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong đó, ngân hàng dành hơn 15.000 tỷ đồng cho các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất vay linh hoạt. Cụ thể, 4.000 tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm; 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,15%/năm đối với VNĐ và 5%/năm đối với USD cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với quy mô 6.000 tỷ đồng.

LPBank đã và đang ưu tiên phát triển các sản phẩm tín dụng xanh dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ứng dụng công nghệ xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt khách hàng là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà-phê, xuất khẩu hạt điều, xuất khẩu thủy sản, hộ sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, LPBank cũng ưu tiên dành nguồn vốn vay cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió với mức lãi suất ưu đãi.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh (lãi suất cho vay bình quân năm 2024 giảm 1,24%, năm 2025 tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2024). Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phá bung mọi “rào cản”

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, với khả năng đóng góp của kinh tế tư nhân chiếm tới 50% GDP, nếu khu vực này tăng trưởng bền vững ở mức hai con số thì mục tiêu tăng trưởng hơn 8% vào năm 2025 và hai con số vào năm 2026-2030 chắc chắn thành công. Trong đó, nguồn vốn đóng vai trò then chốt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hiện nay chỉ có khoảng 30-35% số doanh nghiệp này có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng với tài sản thế chấp hiện có. Trong khi đó, chỉ có một số ngân hàng thực hiện cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai nhưng "rất nhỏ giọt". Cũng cần lưu ý, tài sản hình thành trong tương lai là vấn đề tương đối nhạy cảm trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên NHNN đã khẳng định, không cấm cho vay dựa trên tài sản này, cụ thể hơn là nhà (ở) hình thành trong tương lai.

Để DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, ông Thân cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. Trong đó, việc phát triển các mô hình tài chính thay thế như tín dụng chuỗi cung ứng, thuê tài chính (leasing), cho vay ngang hàng (P2P lending) cũng là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp huy động vốn mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng. Trong đó, Hiệp hội có thể đóng vai trò trung gian, giúp kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tạo điều kiện để họ được đánh giá tín dụng một cách thuận lợi hơn.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, phần lớn doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với tiềm lực tài chính, năng lực quản lý còn hạn chế và hệ thống sổ sách kế toán chưa minh bạch,… Vì vậy, thời gian tới, ngân hàng sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối khách hàng - ngân hàng để nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng một cách cao nhất.

“Cùng với tiết giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực giảm lãi suất, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến quy trình thủ tục để tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ”, bà Phùng Thị Bình chia sẻ.

Tại Hội thảo "Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân" tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, năm 2025 được dự báo cho thấy tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại gia tăng và chi phí vay cao ở nhiều quốc gia. Các khó khăn này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta, trong đó có khu vực KTTN.

Do đó, để vốn ngân hàng thật sự trở thành "bệ phóng" cho KTTN, Phó Thống đốc cho rằng, cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế cho vay, mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thay vì chỉ tập trung vào tài sản bảo đảm. Đồng thời, việc phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính cũng là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, kinh tế sáng tạo, ngoài những hỗ trợ đã có, NHNN đã và đang có nghiên cứu để có những giải pháp mạnh hơn cho vốn vào kinh tế tư nhân; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tăng sức tiếp cận của doanh nghiệp tư nhân với vốn ngân hàng nhiều hơn nữa.