Đó là nhận định của Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, một trí thức ngành khoa học máy tính rất thành công tại Mỹ và hiện tại đã trở về Việt Nam với khát vọng ứng dụng AI để giải mã gene người Việt. Tiến sĩ Cao Anh Tuấn đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Thời Nay góc nhìn về định hướng phát triển AI trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Phóng viên (PV): Thưa ông, trí tuệ nhân tạo đang thu hút nguồn lực rất lớn từ các quốc gia, tập đoàn hàng đầu thế giới. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong cuộc đua này?
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành Genetica: Chưa bao giờ cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) lại lớn như lúc này. Nếu ở nhiều ngành công nghệ sản xuất, quá trình phát triển có thể kéo dài hàng chục năm, thì với AI - đặc biệt là các ứng dụng AI - tốc độ tính bằng ngày, bằng tháng. Đây thật sự là lĩnh vực công nghệ có thể giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bắt kịp, thậm chí vượt lên trước nhiều quốc gia khác trong khu vực nhờ tận dụng công nghệ này. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ đi bằng cách nào?
Nếu dõi theo sự phát triển của công nghệ, mỗi ngày đều có những tin tức mới về sự phát triển lĩnh vực này đặc biệt là việc xuất hiện các mô hình nền tảng (Foundation Model). Nhưng theo tôi, doanh nghiệp Việt không nên chạy theo xu hướng này mà cần lựa chọn việc ứng dụng. Bởi vì, để tạo ra một mô hình nền tảng có thể phải mất tới cả chục tỷ USD. Chúng ta cần nghiên cứu cách làm sao viết được các ứng dụng trên các nền tảng đó.
Những bài toán như DeepSeek gần đây thực chất thuộc về hạ tầng AI - lĩnh vực cần sự điều phối và quyết định từ phía Chính phủ, bởi nó không chỉ liên quan đến nguồn lực tài chính mà còn là câu chuyện chiến lược quốc gia. Với các doanh nghiệp, điều quan trọng là biết tận dụng những mô hình nền tảng đã có để rút ngắn thời gian, nhanh chóng tạo ra các ứng dụng mang lại giá trị thực tiễn. Đây là con đường vừa khả thi, vừa hiệu quả hơn rất nhiều.
Về lựa chọn hướng đi với AI, Ấn Độ là quốc gia mà Việt Nam nên học hỏi. Các doanh nghiệp Ấn Độ tập trung mạnh vào phát triển ứng dụng, đưa sản phẩm đến tay người dùng rất nhanh và cũng nhanh chóng kiếm tiền từ chính những ứng dụng đó.
![]() |
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn cùng các cộng sự tại trung tâm giải mã gene. |
PV: Trở về từ một quốc gia hàng đầu về công nghệ là Hoa Kỳ, ông đánh giá thế nào về sự bắt nhịp của Việt Nam với ngành công nghệ này?
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành Genetica: Có thể nhận định về sự bắt nhịp ở 2 góc độ. Trước hết ở góc độ người dùng, cách đây 7 năm khi trở về và thành lập Trung tâm giải mã gene tại Việt Nam, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục và giáo dục thị trường chấp nhận một công nghệ hoàn toàn mới - sử dụng mẫu nước bọt thay vì dùng máu để phân tích gene. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khi làn sóng AI đổ bộ toàn cầu thì người dùng Việt Nam đã rất nhanh chóng nắm bắt các ứng dụng, làm chủ nó để phục vụ cho công việc và giải trí. Có thể chưa phải phổ cập nhưng ở góc độ khai thác ứng dụng, người dùng Việt không hề thua kém bất kỳ quốc gia phát triển nào, hết sức nhanh nhạy. Có một câu chuyện tại chính công ty của chúng tôi, một nhóm chuyên gia tuổi đời không còn quá trẻ, họ đã có thể tự tạo ra những bài giảng hết sức sinh động về giải mã gene nhờ các công cụ AI chỉ trong một thời gian rất ngắn có khi chỉ từ 2-3 tiếng so với cả tuần trước đây. Họ đam mê công nghệ mới và khai phá một cách hiệu quả các ứng dụng mà trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Thật sự AI đã đi vào từng ngõ ngách đời sống con người.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, đi nhiều nước mới thấy rằng, Việt Nam đang sở hữu thế mạnh hơn rất nhiều. Khi sang Hàn Quốc, tôi nhận thấy một điều rất rõ: Các doanh nghiệp Hàn thường có xu hướng khép kín, phát triển ứng dụng chủ yếu để phục vụ cộng đồng trong nước. Với doanh nghiệp Việt thì khác, tư duy rất mở. Họ hiểu rõ sự phát triển của AI từng ngày và một sản phẩm làm ra có thể mở rộng ra rất nhiều ngôn ngữ . Vì vậy, khi bàn về AI họ luôn định hướng sản phẩm toàn cầu. Đó là một lợi thế lớn.
PV: Vậy lợi thế lớn nhất mà Việt Nam đang có để "đi tắt đón đầu" là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành Genetica: Quan trọng nhất theo tôi vẫn là con người. Việt Nam đã chứng tỏ với thế giới về nguồn lực kỹ sư chất lượng và tinh thần làm việc hăng say, chăm chỉ. Với nguồn lực như vậy thì Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển. Mọi người đều nhận thấy rằng, các tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính khổng lồ. Tuy nhiên, cuối cùng, thành công chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn lực con người. Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải thu hút được những kỹ sư, chuyên gia hàng đầu về AI. Chúng ta cần hình thành thói quen mời các chuyên gia trở về Việt Nam để đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn các kỹ sư trong nước phát triển, từ đó xây dựng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi vẫn hy vọng một “Chart GPT” hay một “Deep Seek” Việt sẽ không phải quá xa vời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Tiến sĩ Cao Anh Tuấn trở về Việt Nam từ năm 2018. Trước đó, ông đã đảm nhận nhiều vị trí cấp cao tại Google. Với niềm đam mê công nghệ giải mã gene, ông cùng năm tiến sĩ khác đã thành lập Công ty công nghệ Gene Friend Way có trụ sở tại San Francisco. Sau đó, ông và các cộng sự đã nghiên cứu và phát minh ra công nghệ giải mã gene kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho người châu Á. Đây là sự kết hợp khoa học giữa dữ liệu gene của người châu Á và công nghệ AI, đã được chứng nhận bởi tổ chức giải mã gene Illumina”.