Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968

Biệt động thành - chiến công như huyền thoại

Kỳ 2: Tượng đài bất tử

Trong rất nhiều tài liệu lịch sử, qua sự đánh giá của nhiều vị tướng lĩnh và nhà khoa học, biệt động thành luôn được ghi nhận như một lực lượng vũ trang “đặc biệt anh hùng”. Vậy nhưng, cũng chính bởi sự “đặc biệt” trong phương thức tổ chức và hoạt động, mà cho đến tận hôm nay, sau 43 năm đất nước thống nhất, vẫn còn rất nhiều câu hỏi lớn liên quan đến biệt động thành chưa tìm ra được lời giải.

Căn hầm bí mật tại số nhà 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh chứa gần ba tấn vũ khí cung cấp cho đội 5 biệt động thành đánh Dinh Độc Lập.
Căn hầm bí mật tại số nhà 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh chứa gần ba tấn vũ khí cung cấp cho đội 5 biệt động thành đánh Dinh Độc Lập.

Giọt nước mắt của vị tư lệnh chiến trường

Trực tiếp tham gia xây dựng các lực lượng biệt động trong nội thành Sài Gòn từ năm 1962, đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn) nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn là người hiểu rõ và vẫn ghi nhớ rất nhiều sự kiện, chiến công và trực tiếp chứng kiến những mất mát, hy sinh to lớn của lực lượng này. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, ký ức của ông lưu dấu sâu đậm nhất những chi tiết liên quan đến trận đánh đặc biệt của biệt động vào mục tiêu Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

Biệt động thành - chiến công như huyền thoại ảnh 1

Đại tá Trần Minh Sơn.

Nói “đặc biệt” bởi đây là mục tiêu được xác định và bổ sung sau cùng, khi mà thời điểm tiến công chỉ còn có mấy ngày. Theo lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử mà chúng tôi có dịp ghi lại, việc xác định mục tiêu này là do chính đồng chí Võ Văn Kiệt - Tư lệnh Bộ Chỉ huy tiền phương Nam Sài Gòn trong Tổng tiến công Mậu Thân yêu cầu biệt động phải thực hiện. Theo đại tá Trần Minh Sơn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói: “Không đánh vào Đại sứ quán Mỹ thì coi như biệt động Sài Gòn không tham gia vào chiến dịch Mậu Thân”. Khi đó, toàn bộ các lực lượng chiến đấu của biệt động Sài Gòn đã được bố trí cho các mục tiêu trọng điểm như: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, khám Chí Hòa. Ban Chỉ huy Biệt động Sài Gòn đã quyết định huy động toàn bộ cơ quan tham mưu, từ bảo vệ, liên lạc, lái xe, đánh máy… nhiều người còn chưa biết bắn súng, tất cả được 15 người; đồng thời cho tập luyện tác chiến cấp tốc song song với việc tiến hành điều nghiên mục tiêu. Đến thời điểm xuất quân, toàn đội (Đội 11) có 17 người, do đồng chí Ngô Thành Vân (bí danh Ba Đen) chỉ huy. Là đội hình “nghiệp dư” nhất, thời gian chuẩn bị ít nhất, mục tiêu “xương” nhất, nhưng Đội 11 đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đánh chiếm Đại sứ quán Mỹ từ tầng 1 đến tầng 3, giữ trận địa được 7 giờ. Địch đã phải dùng trực thăng đổ quân tiếp viện, dùng hỏa lực mạnh và vũ khí hóa học phản kích dữ dội. Trong một thế trận cực kỳ không cân sức, những chiến sĩ biệt động thành vẫn kiên quyết bám trụ mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 16 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đội trưởng Ba Đen bị thương, ngất đi và bị địch bắt. Bị tra tấn và giam cầm nhiều năm, đến năm 1973, chiến sĩ biệt động Ba Đen được trao trả theo Hiệp định Pa-ri.

Trong năm mục tiêu mà lực lượng Biệt động Sài Gòn tiến công và chiếm giữ trong dịp Tết Mậu Thân 1968, việc Đại sứ quán Mỹ bị thất thủ gây chấn động lớn nhất đối với dư luận nước Mỹ. Trong cuốn sách “Tết” dày 380 trang, nhà báo Mỹ Don Oberdoifer đã dành hẳn chương một để phân tích tác động của trận đánh này, trong đó có đoạn viết: “Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý: sứ quán Mỹ nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ! Làm cho người ta nghĩ rằng các lực lượng Cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức Chính phủ Mỹ mô tả… Và như vậy chiến tranh còn lâu mới kết thúc”.

Những hiệu ứng từ trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của vị Tư lệnh Bộ Chỉ huy tiền phương Nam Sài Gòn Võ Văn Kiệt. Vậy nhưng, khi nghe báo cáo về tổn thất lớn của Đội 11, vị tư lệnh quyết đoán và tưởng như chai sạn ấy đã không kìm giữ được những giọt nước mắt. Mà không chỉ một lần. Theo lời kể của nhân chứng lịch sử Huỳnh Văn Cang (nguyên Thư ký của đồng chí Võ Văn Kiệt trong chiến dịch Mậu Thân), chiến công của biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân là vô cùng to lớn, nhưng trước những mất mát không gì bù đắp nổi, khi phần lớn lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của biệt động Sài Gòn đã hy sinh và bị địch bắt, nhiều lần, giữa những thời khắc chiến sự đang vô cùng ác liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt đã không kìm giữ được niềm xúc động.

“Biệt động thành, tưởng là sắt đá và chai sạn lắm, nhưng không phải vậy đâu…” - ông Bảy Sơn trầm giọng, rồi dừng lại. 92 tuổi, trong tâm trí người chỉ huy biệt động lừng danh ngày ấy, giờ như chỉ còn lưu dấu hình ảnh thanh xuân của rất nhiều đồng chí, đồng đội - những con người đã vĩnh viễn hòa mình vào đất đai Tổ quốc. Trong những dòng ghi danh trên bảng vàng của lực lượng Biệt động thành, rất nhiều người trong số họ được biết đến với cái tên Bảy, Tám, Năm, Vinh... ngay đến ông Bảy Sơn là chỉ huy của họ cũng không biết tên thật và địa chỉ cụ thể của nhiều người. Một điều day dứt nữa với tất cả những chiến sĩ biệt động Sài Gòn còn sống, là hài cốt của các đồng đội hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân đều không tìm được. “Họ còn trẻ lắm. Có người sắp cưới vợ, có đứa còn chưa một lần yêu…”.

Năm 2016, ông Bảy Sơn bị tai biến. Nằm liệt trong bệnh viện suốt gần 18 tháng, có lúc tưởng đã mất trí nhớ và năng lực tư duy. Vậy mà ông lại dần bình phục và hồi phục cả phần ký ức về những tháng ngày bom đạn, hiểm nguy nhưng hào hùng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bảy nói rằng, có lẽ những đồng đội biệt động Sài Gòn ngày ấy chưa muốn ông được phép quên quá khứ. Họ mong ông, thay họ, tiếp tục kể lại những câu chuyện của mình, để nhắc nhớ cho đời sau về những gì mà thế hệ các ông đã phải đánh đổi để giành lại được độc lập, tự do cho dân tộc. Riêng ông, còn tự đặt cho mình trách nhiệm nhắc nhớ và đề nghị bù đắp những khuyết thiếu trong việc ghi công, đền ơn đáp nghĩa với những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Những tồn nghi của lịch sử

Không riêng đại tá Trần Minh Sơn, mà cho đến tận bây giờ, còn có nhiều chiến sĩ biệt động thành năm xưa, dẫu tuổi cao, sức yếu, vẫn đang bền bỉ tìm kiếm, thu thập tư liệu để chứng minh thân thế, đóng góp của những người đồng đội chưa được vinh danh. Những tư liệu về biệt động thành, dẫu đã có nhiều công trình khoa học, nhiều hồi ký và tài liệu được giải mật, công bố, vẫn chưa phác họa được đầy đủ diện mạo của lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ này. Và chính những khoảng trống trong việc nhận diện chân dung biệt động thành trong hai cuộc kháng chiến đã khiến cho công việc giải quyết chính sách đối với các chiến sĩ biệt động trở nên cực kỳ khó khăn, trong nhiều trường hợp, để lại những ẩn ức nặng nề cho nhiều chiến sĩ biệt động thành và thân nhân của những đồng đội - những người đã đóng góp không nhỏ cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Một trong những vướng mắc gây nên nhiều bức xúc cho những chiến sĩ biệt động thành may mắn được trở về sau cuộc chiến, chính là việc một số cơ quan chức năng hiện vẫn coi biệt động thành là một tổ chức mang tính quần chúng, không phải là một thành tố của lực lượng vũ trang. Nhận thức và quan niệm như vậy đã làm ảnh hưởng đến việc ban hành, thực thi chính sách và tuyên dương công trạng đối với những chiến sĩ biệt động thành còn sống. Trong khi, theo phân tích của nhiều nhà khoa học, biệt động thành, thực chất là một lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ, mỗi chiến sĩ biệt động thành hoạt động trong môi trường “đặc biệt”, giữa vòng vây trùng điệp của kẻ thù, đòi hỏi phải có năng lực tác chiến đặc biệt, phương thức tác chiến đặc biệt và một ý chí thép, linh hoạt nhưng kiên định.

Theo PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, với hệ thống các quy định hiện thời, việc thu thập đủ căn cứ để tiến hành công nhận công trạng đối với những người tham gia lực lượng biệt động thành là công việc không đơn giản. Do yêu cầu về công tác bảo mật, nên các đơn vị biệt động thành được tổ chức theo hình thức đơn tuyến, mỗi chiến sĩ biệt động thường chỉ biết người kết nối trực tiếp với mình. Vậy nên, khi người kết nối trực tiếp hy sinh, thì việc xác định danh phận của chiến sĩ biệt động thành sẽ rất gian nan. Chính vì vậy, nhu cầu bức thiết hiện nay là phải có những công trình nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, mang tính hệ thống để xác định chính xác diện mạo của lực lượng đặc biệt này. Trên cơ sở các nghiên cứu, phải trả lại cho biệt động những gì họ có, chứ không để kéo dài tình trạng ai cũng có thể tự ngộ xưng là biệt động, làm cho những chiến sĩ biệt động thực thụ cảm thấy bị xúc phạm. Đó cũng là căn cứ để có thể giải quyết rốt ráo và cơ bản chế độ, chính sách cho những người đã tham gia lực lượng biệt động, nhất là biệt động thành. Đồng thời, đó cũng là những căn cứ quý giá để rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức lực lượng và tác chiến biệt động trong nội đô, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Còn có một rào cản vô hình trong hành trình minh định và ghi danh công trạng để đền ơn đáp nghĩa với những chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa, nói như ông Huỳnh Văn Cang, chính là sự quan liêu, thiếu sâu sát và thấu hiểu của các cơ quan chính sách: “Tôi có cảm giác là chúng ta đối xử chưa thỏa đáng với biệt động. Họ là những con người khi bước chân vào trận đã xác định sẵn sàng chết cho Tổ quốc, không tính toán. Đó là những cái chết đã được định sẵn. Vậy mà họ vẫn thanh thản và hăng hái ra đi. Mỗi người trong số họ đều xứng đáng là những Anh hùng - rất Anh hùng, bởi sự tự giác cao hơn nhiều chiến sĩ trên các mặt trận khác”.

Vĩ thanh

50 năm sau những ngày rực lửa, đẫm máu và nước mắt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. 43 năm thống nhất non sông. Tiếng súng đã ngừng nổ, bom đã ngừng rơi trên dải đất phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát này. Nhưng những vết thương, những nỗi đau bởi chiến tranh thì vẫn còn âm ỉ, vẫn chưa thôi day dứt biết bao phận người. Có những điều bởi sự khốc liệt của chiến tranh, không thể khác. Nhưng cũng có những điều, vẫn còn tồn tại chính bởi sự thiếu quan tâm của hậu thế.

50 năm. Lần đầu tiên, một Đài tưởng niệm những chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân được dựng trong khuôn viên dinh Thống Nhất. Chiến sĩ biệt động thành Phan Văn Hôn đã chia sẻ với tôi rằng, khi nghe tin dựng đài tưởng niệm này, ông đã làm một bài thơ gửi Ban quản lý công trình. Tuy những lời tâm huyết của ông không được chọn khắc lên nội dung tấm bia tưởng niệm, nhưng lòng ông thấy ấm áp bởi những linh hồn đồng đội đã có một nơi chốn trang trọng, vinh danh chính họ, để tìm về.

Trong lòng thành phố Hồ Chí Minh sôi động và phát triển, chúng tôi đã gặp những con người vẫn ôm trong lòng nỗi đau đáu về một thời gian khó, đạn lửa nhưng kiêu hãnh. Họ luôn mong được nhắc nhớ, không phải để vinh danh những đóng góp của mình, mà để nhắc về những đồng đội đã vĩnh viễn hòa mình vào Đất Mẹ. Nhắc nhớ về một thời, tình yêu đất nước, dân tộc mạnh hơn mọi bạo tàn. Thời những con người Việt Nam phải gánh chịu muôn vàn nỗi gian lao, nhưng tâm hồn luôn rực sáng lý tưởng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Ánh sáng ấy vẫn cần được tiếp lửa và lan tỏa, trong cuộc sống hôm nay!

Trong cuộc kháng chiến oanh liệt 30 năm vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị biệt động Sài Gòn - Gia Định đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ.

(Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP)