Điệu hồn da diết của tình quê Mỹ Lý

Trong cuộc đời mỗi con người, kỷ niệm trong sáng, hồn nhiên của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả dòng cảm nghĩ này bằng nghệ thuật tự sự xen miêu tả và biểu cảm, với những rung động tinh tế qua truyện ngắn giàu chất thơ “Tôi đi học”.
0:00 / 0:00
0:00
Đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế.
Đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế.

Có một Mỹ Lý đẹp và thơ

Nhà văn Thanh Tịnh sinh năm 1911, vì thế, tính từ buổi mai hôm ấy, “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…”, đến nay cũng đã hơn một thế kỷ. Vậy mà những dòng văn mở đầu “Tôi đi học” vẫn ở lại, âm vang mãi trong lòng bạn đọc của biết bao thế hệ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.

Tập truyện ngắn “Quê mẹ” của Thanh Tịnh được xuất bản năm 1941 bao gồm 13 truyện ngắn, trong đó có “Tôi đi học”. Thanh Tịnh thổi vào trang văn của mình điệu hồn da diết của tình quê. Đó là lũy tre làng, hương cỏ bốn mùa, giọng hò ngân dài trên dòng sông quê, là tình cảm kín đáo của những cô thôn nữ trong sáng, chân thành. Lối viết của Thanh Tịnh nhẹ nhàng, tinh tế. Có một điều đặc biệt trong “Quê mẹ” nói chung và “Tôi đi học” nói riêng là hình ảnh làng Mỹ Lý trở đi trở lại nhiều lần, thành không gian nghệ thuật đầy ấn tượng. Mỹ Lý “đi về” không biết bao nhiêu lần trong tâm tưởng Thanh Tịnh. Cái làng quê, trường quê của nhân vật tôi trong “Tôi đi học” cũng là Mỹ Lý. Có đến ba lần nhà văn gọi tên Mỹ Lý trong truyện ngắn này: “Trước sân trường làng Mỹ Lý dày đặc cả người”; “Trước mắt tôi trường Mỹ Lý trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”; “Ông đốc trường Mỹ Lý”…

Trong lời tựa cho quyển sách in hai tập truyện ngắn “Quê mẹ” và “Ngậm ngải tìm trầm” của Thanh Tịnh (NXB Văn học), nhà văn Thạch Lam cho rằng: “Làng Mỹ Lý có lẽ không phải là một làng có thật trên bản đồ. Nhưng mà lại thật hơn, nếu tôi có thể nói thế, đầy đủ và hoạt động hơn bất cứ một làng nào. Làng Mỹ Lý có lẽ chỉ là biểu hiện cho tất cả làng mạc trong một miền nhưng cái tài của tác giả đã khiến cho gần gũi và thân mật, chúng ta tưởng đâu như sống đã lâu năm ở trong đó, cùng với người làng tham dự vào các công việc hằng ngày và cùng chia sẻ những nỗi buồn, vui”.

Ấn tượng với làng Mỹ Lý trong trang văn của Thanh Tịnh, tôi tìm về vùng quê bên dòng sông Phổ Lợi (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nơi Thanh Tịnh sinh ra và lớn lên. Nhà văn Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, quê ở xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (tác giả chủ biên bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa), hiện ở tại Phú Thượng (Phú Vang) - đồng hương với Thanh Tịnh là người biết khá nhiều về những ngày niên thiếu của tác giả “Tôi đi học”. Ông Vinh cho hay, đời ông cố của nhà văn Thanh Tịnh từ Gio Linh (Quảng Trị) vào sinh sống ở xóm Gia Lạc, bên chân cầu chợ Dinh, nay thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng (Phú Vang). Chính vẻ đẹp bình yên, thơ mộng mang nét đặc trưng của làng quê Trung Bộ bên dòng sông Hương đã vun đắp, tưới tắm tâm hồn nhạy cảm và tình yêu văn chương ở cậu bé Ninh.

Tìm gặp nhiều già làng ở vùng quê Thanh Tịnh sống thuở ấu thơ, khi hỏi về làng và trường Mỹ Lý nằm ở đâu, không ai biết. Vậy, là đúng như lời khẳng định của ông Trần Đại Vinh trong câu chuyện với chúng tôi về nhà văn Thanh Tịnh: “Ngôi trường Mỹ Lý mà Thanh Tịnh nhắc đến trong “Tôi đi học” chỉ là ngôi trường trong trí tưởng tượng của tâm hồn bay bổng; và cái tên làng Mỹ Lý trong rất nhiều truyện ngắn của Thanh Tịnh cũng chỉ có trong văn chương, trong tâm hồn nhạy cảm của một nhà văn tài hoa”.

Không có một ngôi trường mang tên Mỹ Lý, nhưng việc cậu học trò Thanh Tịnh năm xưa học ở trường làng là có thật. Theo các tài liệu viết về tiểu sử Thanh Tịnh thì thời tiểu học Thanh Tịnh học ở trường làng ba năm đầu, rồi sau đó lên học ở Trường tiểu học Đông Ba. Vậy ngôi trường làng mà cậu bé Tịnh đi học nằm ở đâu và có tên là gì? Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khẳng định đó là trường học ở đình làng Dương Nỗ, khu nhà tăng của đình là lớp học.

Đình làng Dương Nỗ (ở xã Phú Dương, thành phố Huế ) uy nghi, cổ kính được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1471). Đây là nơi Bác Hồ thường đến chơi và viếng cảnh trong thời gian Người sống và học tập ở làng Dương Nỗ (1898-1900). Năm 2020, đình làng Dương Nỗ đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Trước mặt đình làng là con sông Phổ Lợi chảy qua, có bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát, có bến nước, có cây cầu chợ Nọ đã từng đi vào ca dao, dân ca.

Dòng sông, bến nước, con đò, sân đình… mang nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Cái chất văn hóa làng xã đó đã thấm sâu vào tâm hồn của những người con quê hương. Hình ảnh ngôi trường nơi đình làng Dương Nỗ thời niên thiếu luôn để thương để nhớ trong lòng Thanh Tịnh. Từ Vỹ Dạ đi về, ngôi nhà của Thanh Tịnh ở xóm Gia Lạc, nay là cầu Chợ Dinh. Từ nhà của mình, cậu học trò ấy hằng ngày đi bộ hơn ba cây số men theo sông Phổ Lợi để đến trường ở đình làng Dương Nỗ.

Năm 1933, Thanh Tịnh đi làm ở các sở tư, vào nghề dạy học rồi bắt đầu nghề viết văn, làm thơ. Năm 1948, ông nhập ngũ, rồi làm chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội và tiếp tục sáng tác. Thanh Tịnh mang cấp bậc đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam và mất tại Hà Nội vào năm 1988. Sau ba năm ngày mất của Thanh Tịnh, mộ phần của nhà văn được gia đình đưa về Huế, an táng tại nghĩa trang núi Thiên Thai, phía tây thành phố.

“Tôi đi học” ở trong lòng bạn đọc

Bằng áng văn giàu chất thơ, Thanh Tịnh đưa ta vào thế giới kỳ diệu để được sống lại những kỷ niệm êm đềm xưa cũ. Hơn một thế kỷ đi qua, “Tôi đi học” của Thanh Tịnh cứ mãi “ở lại” trong lòng người. Con, cháu của Thanh Tịnh không ai theo nghiệp văn, nhưng tình yêu văn chương và sự trân quý về những tác phẩm của bố, của ông mình thì đong đầy. Tại ngôi nhà ở đường Lịch Đợi, chị Trang hằng ngày vẫn nâng niu, cất giữ những tác phẩm của ông nội mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Trang tỏ ra trăn trở bởi có vài tác phẩm của Thanh Tịnh ít nhiều bị thay đổi về từ, về chi tiết so bản gốc khi xuất bản và in ấn lại.

Với các tác phẩm khác, dù đã học nhưng khi hỏi lại vẫn có không ít học sinh không nhớ. Riêng “Tôi đi học” thì hầu như em nào cũng nhớ rõ tên tác phẩm và tác giả. Em Trần Nguyên Hanh, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế) cảm nhận: “Đọc “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, em bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên mẹ dẫn đến trường. Tâm trạng của chú bé trong truyện có lẽ là tâm trạng chung của nhiều cô cậu học trò. Chính điều đó đã tạo nên sự đồng cảm và niềm xúc động”.

Đẹp như một bài thơ, “Tôi đi học” dệt lên bức tranh cảm xúc thương nhớ của tuổi thơ mùa tựu trường. Ths Văn học Phạm Tuấn Vũ ở phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi cảm nhận: “Tôi đi học” là truyện ngắn tiêu biểu cho nhận định của Thạch Lam về phong cách Thanh Tịnh, đó là truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện. Truyện như một bài thơ dịu dàng sâu lắng về những cảm xúc kỳ diệu, những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời đi học của mỗi người. Có thể xem đây là một trong những tác phẩm viết về mái trường hay nhất trong văn học nước ta”.