KỶ NIỆM 34 NĂM NGÀY BÁO NHÂN DÂN CUỐI TUẦN RA SỐ ĐẦU (12/2/1989-12/2/2023)

Điều chúng ta hướng tới: Trí tuệ, độc đáo và nhân văn

Ngay từ khi được phép xuất bản, Báo Nhân Dân cuối tuần (tiền thân là Nhân Dân chủ nhật) đã được giao nhiệm vụ, với yêu cầu rõ ràng: "nội dung và hình thức phong phú, sinh động, mở rộng thông tin, trao đổi ý kiến, hướng dẫn dư luận đối với những vấn đề mới của cuộc sống mà quần chúng quan tâm, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực". Vâng, nhiệm vụ đó như chiếc la bàn định hướng trong suốt hành trình gây dựng, phát triển của ấn phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải" do Nhân Dân cuối tuần tổ chức. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải" do Nhân Dân cuối tuần tổ chức. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

THẤM thoắt đã 34 năm trôi qua. Ngày 12/2/2023, tờ Nhân Dân cuối tuần lại ghi thêm một dấu mốc trên chặng đường tìm kiếm, làm mới và làm giàu bản sắc của một tờ tuần báo. Cái dễ và cái khó ở đây là, không phải một ấn phẩm độc lập mà Nhân Dân cuối tuần giống như một nhánh cây trong cây lớn Nhân Dân cổ thụ, sum suê hoa trái. Hoặc là rơi vào bản sao của tờ "báo mẹ" với chức năng "ngọn cờ chính trị tư tưởng", hoặc là nửa vời, nhập nhòa chính trị và văn nghệ, nhập nhòa thông tấn và nghệ thuật. Đấy là tâm sự của những nhà quản lý thường nghĩ rộng, lo xa. Thật ra hơn ba thập niên vừa rồi, tờ tuần báo thân yêu của chúng ta đã đĩnh đạc bước đi trong gia đình lớn Nhân Dân, trong đội ngũ hùng hậu của báo chí cả nước.

Nếu nói về những gì đã làm được, về dấu ấn của tuần báo thì chính là đã kiên trì định hướng được khẳng định ngay từ ngày đầu xuất bản, với những trăn trở nghề nghiệp không ngừng nghỉ để có nội dung và hình thức phong phú. Bạn đọc rất công bằng, không khi nào thờ ơ với những tờ báo đúng, hay và đẹp.

Cuồn cuộn trong dòng chảy 72 năm Báo Nhân Dân, 34 năm Nhân Dân cuối tuần, một sớm Xuân, ngước nhìn lên tán đa cổ thụ như chiếc ô trời thiêng liêng và gần gũi, chúng tôi lắng nghe tiếng vọng từ quá khứ. Ở đó Báo Nhân Dân được bạn đọc các thế hệ ghi nhận là cuốn biên niên sử của cách mạng. Những thành tựu, những đổi mới, khác biệt đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đánh giá. Những cố gắng tối đa, có những khi trong điều kiện làm việc tối thiểu, tột cùng gian truân, tột cùng hạnh phúc, đã được các nhà báo lão thành ở 71 Hàng Trống ghi nhận. Nếu được nói riêng về sự đóng góp của Nhân Dân cuối tuần trong chặng đường gần như song hành với công cuộc đổi mới đất nước, thì có lẽ là, một tờ tuần báo giàu chất nghĩ ngợi, đa dạng thông tin, gần gũi đời sống.

Điều chúng ta hướng tới: Trí tuệ, độc đáo và nhân văn ảnh 1
Dấu ấn đổi mới còn được thể hiện qua các sản phẩm E-Magazine trên www.nhandan.vn/cuoituan/.

Trong sự phát triển vô cùng nhanh chóng của công nghệ thông tin, xu thế "phi đại chúng hóa" đối với truyền thông đại chúng chi phối hoạt động báo chí toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ. Sự lúng túng của báo chí, nhất là báo in là điều khó tránh. Nhân Dân cuối tuần cũng nhiều phen loay hoay thử nghiệm để tìm nghiệm số. Không nói to tát là thành tựu, chiến công gì ghê gớm, nhưng rõ ràng tờ báo đã có những bước chuyển về định hướng thông tin, cơ cấu thông tin, cách thể hiện nhẹ nhõm, linh hoạt. Gần đây chuyên đề báo in lại được "dựng trang" trên Nhân Dân điện tử, thoáng, hiện đại, dễ tìm đọc và dễ "thưởng thức" hơn. Vấn đề này các nhà nghiên cứu báo chí hiện nay gọi là đi vào "thị trường ngách". Nôm na là thế nhưng mà khó vô cùng. Nó phải nhắm vào phục vụ đối tượng chuyên biệt. Tôi dành số báo này cho nhà sản xuất vaccine, cho người trên rừng, dưới bể, cho showbiz, cho những chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm... Nhỏ nhưng mà lớn. Cái mà lâu nay ta vẫn quen gọi là "chuyên đề", có một bài chính như kiểu người lính khoác ba-lô trên vai, kèm theo là lỉnh kỉnh súng ngắn, ống nhòm, bản đồ, bi-đông... Chuyên đề có cái hay là thay thế cho những thông tin dàn trải về nội dung, về đối tượng phục vụ. Nếu nói bao quát thì, trước đây ta truyền thông đồng loạt những thông tin cùng một chương trình đến với bạn đọc, thì nay tìm cách đa dạng hóa thông tin, tìm cách đáp ứng nhu cầu thông tin. Có lý khi một nhà báo Mỹ nói: "Sự chia nhỏ truyền thông cũng chia nhỏ đầu óc chúng ta".

Trong cú lội ngược dòng ấy, mừng là tờ tuần báo quen thuộc của chúng ta đã trở nên mới mẻ, có khi lạ nữa. Dẫu vẫn biết, lạ không hẳn lúc nào cũng hay. Chính nhờ cái mới lạ, thiết thực mà báo đứng được. Một số chuyên đề có hiệu ứng xã hội tốt, được bạn đọc hỏi han, phản biện, được trao Giải báo chí khá là sang trọng. Một số trang viết theo lĩnh vực đã định hình nhiều năm vẫn giữ được phong độ, như kinh tế, văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật, quốc tế... Được như thế là do nội dung cập nhật, phân tích có chiều sâu, tác giả có ngôn ngữ, giọng điệu riêng, nhất là khi tác giả xuất hiện với tư cách là "cái tôi nhân chứng", chứ không đứng ngoài, đứng xa quan sát và phát biểu. Về bút pháp, có thể gặp những cây bút tài hoa, tác phẩm báo chí giàu chất văn, sử dụng kết hợp bút pháp tả, thuật, bình, kết hợp phân tích, tổng hợp, khiến bạn đọc hứng thú. Tiếc rằng Nhân Dân cuối tuần không còn "dành đất" cho thơ nữa! Nếu duy trì trở lại, ta sẽ đăng thơ như thế nào, về hình thức, về nội dung?! Dẫu thế nào, điều cốt lõi, phải là thơ hay. Phải là một trang thơ đĩnh đạc, không có sự cả nể, dễ dãi trong việc biên tập, chọn thơ.

DỊP kỷ niệm 30 năm Nhân Dân cuối tuần, một số nhà quản lý, nhà báo uy tín đã bày tỏ sự mong muốn, rằng, báo cuối tuần của chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và tăng tính chiến đấu. Không chỉ có chống tham nhũng, tiêu cực mà cần tỏ thái độ mạnh mẽ hơn với những thói hư, tật xấu trong xã hội, những hành vi vô cảm trước cái xấu và cái ác, trước nỗi đau đồng loại, góp phần làm cho bầu khí quyển xã hội ta ngày càng trong lành hơn. Tiếp thu những ý kiến đó, Báo đã làm, nhưng còn chưa nổi bật. Vẫn biết đó là cái khó chung. Tôi thấy, một nhà báo già tâm sự, cái nghề viết của ta nó chẳng khác gì thân con hạc. Ca dao xưa nói rồi: Thân em như con hạc đầu đình/Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Khó như thế nên mới cần sự dũng cảm - sự dũng cảm được soi sáng bằng trí tuệ, bằng nguồn nhiệt hứng mãnh liệt. Điều đó, người trẻ tuổi có tiềm năng và lợi thế lớn hơn lớp đi trước rất nhiều. Đương nhiên, cần có một "cơ chế" về tổ chức, về thông tin, về phát hành trong thời kỳ mới. Đương nhiên, phóng viên, biên tập viên của ta không thể kham nổi mọi việc, mà cần có một lớp cộng tác viên mới giỏi giang, nhiệt tình ghé vai giúp đỡ. Đương nhiên, nếu nhà báo cũng chỉ lo làm tròn bổn phận như một công chức mà thiếu đi ngọn lửa yêu nghề, thì ngày mai những hạn chế, tồn tại sẽ vẫn "cơ bản là như thế". Làm báo là để nói đúng sự thật. Nhà báo luận chứng về một vấn đề nào đó thì phải dùng sự thật để chứng minh, chứ không qua lăng kính của người khác để chứng minh cho quan điểm của mình. Ai đó đã nói rằng, làm báo là phải mới, phải tiến, không bàn chuyện thoái. Chỉ có thể là tạm lùi để mà tiến. Bài báo sẽ thất bại nếu chỉ chăm chú làm vừa lòng mọi người (ý của nhà báo Hữu Thọ). Đấy là nói đến cái tâm, cái tầm và cái tài; cái cấm và không cấm; cái nên và không nên, cái đậm và cái nhạt. Chuyện này dài và nhiều người có thể nói/viết rất hay.

Nhìn về chặng đường tiếp tới, xin được gửi đến Báo Nhân Dân cuối tuần lời chúc: Trí tuệ, độc đáo và nhân văn!