Điểm đến mới nông thôn Đà Nẵng

Mô hình du lịch trải nghiệm đang được nhiều người ở Đà Nẵng chọn lựa. Nhất là nhu cầu giải trí ngắn ngày trong thành phố. Người làm du lịch đang tạo thêm những trải nghiệm mới để người dân và du khách tìm đến farm nhiều lần hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Banarita farm đang là điểm đến thu hút đông du khách Đà Nẵng.
Banarita farm đang là điểm đến thu hút đông du khách Đà Nẵng.

OCOP du lịch sau mùa dịch

Những năm dịch Covid-19, anh Lê Thanh Tuấn cùng hai người bạn đã mua lại đất nông nghiệp đang trồng keo của người dân tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) để cải tạo lại đất, trồng các loại cây ăn trái, rau xanh.

Năm 2021, thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 82 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Anh Tuấn đã làm hồ sơ và được phê duyệt. Nông trại vẫn giữ nguyên hiện trạng của vườn vốn có, là những triền dốc, con đường ngoằn ngoèo, mảnh vườn nhấp nhô không bằng phẳng. Các anh làm thêm những tiểu cảnh để nông trại được đẹp hơn, như chia vườn để trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi da xanh, chuối; làm chuồng nuôi gà, bò, cừu, thỏ, ao thả cá; có khu vực trải nghiệm, vui chơi cho trẻ em, nghỉ ngơi, ăn uống hay đốt lửa trại, sinh hoạt nhóm… Tháng 4/2023, Banarita Glamping Farm đã đi vào hoạt động với diện tích rộng 5 ha.

Cuối tuần, anh Bùi Toàn Vạn (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đưa vợ và hai con gái đến để vui chơi, tận hưởng không khí trong lành. Tại đây, con gái anh thích thú khi được chơi đùa với những con vật, chạy nhảy trên bãi cỏ và tham gia các trò chơi được bố trí tại khu vực cắm trại. Anh Vạn cho hay: “Được bạn giới thiệu nên tôi cũng muốn đưa gia đình đi trải nghiệm thử cũng như có một ngày cuối tuần nghỉ ngơi vui chơi cùng các con. Ở đây cũng khá gần, đường sá tiện lợi nên chúng tôi rất thích”.

Đầu năm 2024, Banarita là một trong 26 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt OCOP 3 sao và 4 sao của thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Banarita đang tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và thời vụ, trong đó đa số là người dân địa phương. Trong năm 2023, mỗi tháng Banarita đón từ 2.000 đến 3.000 khách đến trải nghiệm và nghỉ ngơi. Dự kiến, năm nay số lượng sẽ tăng gấp đôi. Anh Lê Thanh Tuấn cho biết: “Chúng tôi sẽ giữ gìn và phát huy những kết quả được ghi nhận này”.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo các kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số. Ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá và ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn tại huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, huyện sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các chủ thể xây dựng và phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, hỗ trợ tư vấn về nhãn hiệu, mẫu mã… để phù hợp làm quà tặng. Đồng thời, kết nối, quảng bá sản phẩm đến du khách trong nước và quốc tế; tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, phù hợp với văn hóa, điều kiện sinh thái tự nhiên của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Hòa Vang sẽ tăng cường tạo sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách; chú trọng phát triển hệ thống các sản phẩm mang tính liên kết cao.

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường phát huy lợi thế sinh thái tự nhiên.