Dì tôi

Khi bầu trời thanh bình 50 năm qua dứt tiếng máy bay địch gầm rú trút bom đạn thì dì tôi đã qua tuổi xưa nay hiếm và anh chị em tôi như trứng gà, trứng vịt, mới ngày nào được dì chăm sóc, nay cũng đã qua ngưỡng “lục tuần”, để thấm thía câu “Lá rụng về cội”, bình dị mà sâu sắc.
0:00 / 0:00
0:00

Quên sao được những ngày thơ ấu, mỗi khi dì từ phố Hiến đạp xe về thăm nhà, dì hay “đằn” chị em tôi ra tắm và gội đầu bằng nước bồ kết hương nhu lá sả, rồi dì cằn nhằn tội ham chơi cho chấy nở đầy đầu, nhưng vẫn kiên nhẫn tuốt trứng cái chấy theo ngọn tóc tơ cho tôi. Ngày ấy mới học lớp hai, tôi nghe dì nói làm ở phòng hóa nghiệm, không hiểu là thế nào; sau này, học cấp ba, tôi mới vỡ vạc ra. Cái tên Đoàn địa chất 36 chính là tiền thân của Liên đoàn Địa chất 36, tiếp đó là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Một ngày hè của mùa sen năm 1973, đạp xe xuống phố Hiến thăm dì, tôi được cho vào xem phòng hóa nghiệm, nơi dì đang phân tích mẫu đất, đá và nước. Ấn tượng nhất là dãy chai lọ dày cộp, cao thấp, to nhỏ đủ các cỡ… đựng mẫu phân tích. Trong phòng mờ mờ tối, chúng đứng nghiêm trang như chiến sĩ, nhưng mùi hóa chất nồng nồng khiến tôi chỉ đứng một lúc là bật chạy ra ngoài. Vậy mà dì tôi yêu những chai, những lọ lỉnh kỉnh ấy, chúng có hồn và ngôn ngữ riêng khi phân tích mẫu để tìm ra dấu hiệu nơi có dầu khí. Những ngày ở khu tập thể dầu khí với dì, tôi mới hiểu thế nào là đội ngũ kỹ sư được đào tạo từ trong khói lửa bom đạn chiến tranh phục vụ cho tương lai của đất nước. Các anh chị tốt nghiệp các trường đại học Bách khoa, Tổng hợp, Mỏ địa chất… về chung mái nhà bên đầm sen phố Hiến thơm ngát. Tôi được đọc truyện cổ An-đéc-xen khi chờ dì đi làm về. Tối tối, trăng sáng vàng rượi đưa gió ướp hương sen, nghe chuyện của các anh chị, tôi như được khai mở một thế giới mới của khoa học và làm quen với nước Nga xa xôi, mà chỉ đến năm 1984, khi dì tôi sang Ba-cu học chuyên môn chống ăn mòn cho giàn khoan trên biển, thì cái xứ sở ấy mới thật gần qua những lá thư dì gửi về.

Cả đời gắn bó với một nghề, một nghiệp, “sinh ư nghệ tử ư nghệ” như các cụ đã dạy, dì xa phố Hiến thân thuộc vào Vũng Tàu, làm việc ở Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro ít năm rồi lại chuyển ra làm ở Hà Nội sau khi bị tai nạn trên công trường. Nhưng chuyên môn ngấm vào máu thịt, nên dì vẫn chung thủy với những mẫu đất đá, làm việc ở cơ sở dầu khí bên Đức Giang. Tối tối, ôm dì như thuở bé ở quê, dì mới kể cho tôi nghe chuyện cổ tích những năm bom đạn giặc, tỷ như kỷ lục đạp xe suốt từ phố Hiến đến tận Uông Bí nhận mẫu về phòng hóa nghiệm. Dì cười: mà lúc bom rơi đạn lạc, cứ đạp xe hơn 100km là chuyện bình thường. Những chuyến đi công tác xa và nguy hiểm qua những trọng điểm giao thông bị máy bay Mỹ dội như “túi bom” rồi cũng quen. Mỹ ngừng ném bom miền bắc, tôi vẫn thấy dì nay đi Thái Bình, khi cơ quan đi tìm trữ lượng dầu ở đồng bằng Bắc Bộ, mai đi Quảng Ninh…

Nhìn bọn trẻ lít nhít ôm dì mà thơm nũng nịu - “bà đi Hà Nội lâu thế”, tôi lại nhớ thuở nào, dì đón tôi đi học vỡ lòng về, tươi vui thưởng cho cháu gái kẹo trứng chim khi tôi được điểm 10. Tối tối, bên ngọn đèn dầu, dì bắt tay tôi đưa ngọn bút “lá tre” tô những nét thanh, nét đậm sao cho đúng cỡ chữ trên vở ô ly: o, a, cà , cá , mạ… Ôi dì tôi…!