Mới hơn bốn giờ sáng. Vẫn còn sớm quá. Tôi nhìn la liệt người xếp hàng chờ bốc số, đa phần là sản phụ, có chút ngao ngán vì gương mặt người nào cũng lờ đờ, mỏi mệt, hẳn đều đã vượt đoạn đường xa đến đây. Không biết có ai giống chị Vân tôi, cầu may tìm tia hy vọng còn lại ở nơi có tiếng là bệnh viện phụ sản lớn nhất thành phố.
Lỉnh kỉnh đồ đạc, tôi lững thững đi về phía cuối hành lang. Tôi cần nơi ít sáng một chút. Và kia là một băng ghế gỗ dài đã có người ngồi nhưng vẫn còn thừa khoảng trống đủ để tôi duỗi thẳng chân. Một người đàn ông, bên cạnh là túi hành lý nhỏ, đang lom khom tháo vật gì đó mà khi đến gần tôi mới biết là cái ống chân nhựa. Nhác thấy bóng tôi tiến lại, người đàn ông đặt chiếc túi lên đùi, một tay chống ghế nhấc mình dịch sát hẳn về một bên. Dù không nhìn rõ mặt, nhưng qua dáng điệu đặc biệt là mùi dầu gió tỏa ra, tôi biết ông không còn trẻ nữa. Nhẹ nhàng ngồi xuống, như phép lịch sự, tôi quay sang khẽ gật đầu. Nhìn cử động trên gương mặt, tôi hiểu người đàn ông đang mỉm cười chào lại.
Tôi không cảm thấy phiền hà khi phải theo chị Vân, giờ này vạ vật nơi hành lang bệnh viện. Nhưng quả tình tôi không ưa mùi mồ hôi đặc quánh hòa với mùi thuốc sát trùng. Thi thoảng cái không gian tĩnh mịch như tấm màn thủy tinh lại bị vỡ ra bởi tiếng còi gấp gáp của xe cứu thương, có lẽ một sản phụ nào đó gặp phải điều nguy kịch. Tôi luôn mẫn cảm nếu không nói là có phần ám ảnh với âm thanh và những thứ mùi hương khó ngửi này, nếu không phải là vì chị Vân. Tình thương khiến người ta cố gắng được. Nhưng tôi vẫn lấy làm giận anh Việt vô cùng.
Đáng lẽ anh ấy mới phải là người theo vợ vào nhà thương. Đứa trẻ mới tượng hình chưa biết liệu có giữ được không kia là giọt máu kết tinh mà hẳn anh cũng chờ đợi mỏi mòn lắm chứ. Làm gì có người chồng nào những lúc nhạy cảm như thế lại để vợ một mình. Trước, chị Vân đã sảy một lần; đợt ấy anh Việt cũng đang tất bật trong chuyến công tác mà theo cách nói của anh là quan trọng sống còn với cái doanh nghiệp mới mở còn bấp bênh lại gặp đủ thứ vấn đề nan giải. Rốt cuộc người túc trực bên chị Vân vẫn là đứa em gái đã quá ngán ngẩm cái đời sống đôi lứa nếu không phải đầy áp lực thì cũng hết sức chán chường. Cứ nhìn cảnh chị Vân mỗi đêm ngồi trò chuyện với tụi thằn lằn, vò võ chờ chồng về ăn tối đến cơm nước lạnh tanh, mỏi mệt quá thì ngoẹo đầu ngủ gục trên tràng kỷ thì tôi chẳng còn bất kỳ ham muốn nào nữa.
Đận ấy khó khăn lắm, sau nhiều năm kết hôn chị Vân mới mang thai. Chị mong đứa con ấy biết bao vì nó sẽ giúp chị bớt cô đơn trong cuộc hôn nhân không biết chắc còn duy trì được bao lâu nữa. Nhưng ở cuối kỳ tam cá nguyệt đầu thì đứa trẻ đã bỏ chị đi. Anh Việt thì đang ở cái xứ cát gió nào xa lắc chưa thể về ngay được. Tôi xin cơ quan nghỉ mấy ngày vào chăm chị Vân, lấy thai lưu. Người hộ lý trực ca vỗ nhẹ lưng tôi ủi an: “Mổ nội soi, nhanh và không đau đớn gì cả”. Tôi nhìn chiếc băng ca chầm chậm đưa chị gái vào khu vực gây mê. Lúc chuyển ra phòng hậu phẫu chị vẫn chưa tỉnh, trông như một con mèo ướt. Tôi nắm bàn tay chị lạnh ngắt, lặng ngắm từng chỉ số chạy tít tít trên màn hình theo dõi đầu giường. Quanh đó là rất nhiều sản phụ khác đang tận hưởng niềm hạnh phúc được làm mẹ, tất cả họ đều có chồng ở bên. Vài ánh mắt ái ngại lẫn soi mói khiến tôi chỉ muốn đập vỡ màn hình điện thoại khi thấy tên anh Việt nhấp nháy trong những cuộc gọi đổ dồn đến. Tôi ấn nghe, đáp cộc lốc: “Chị ấy chưa chết”. Và tắt máy.
Những ngày dài buồn tẻ sau đó khiến tâm trí chị Vân nhiều lúc lơ mơ. Chị mất ngủ thường xuyên, hay buồn vui bất chợt và phải nài nỉ mãi mới bứng được chị vào viện. Vị bác sĩ già có đôi mắt hiền từ và thong thả, dịu dàng bảo: “Chứng rối loạn lo âu này không xem thường được đâu”. Ông kê cho chị Vân những liều thuốc mạnh ngoài bảo hiểm, cẩn thận căn dặn người nhà để ý theo dõi người bệnh và cố tạo cho gia đình một bầu không khí vui vẻ. Chỉ là ai mà dè đến chị Vân cũng không biết mình đang cấn thai. Những viên thuốc an dưỡng tâm thần ngoại nhập được cảnh báo không có lợi với mầm sống vừa mới đến đó.
*
Nơi góc tối bên cạnh chiếc ghế có tiếng ho húng hắng. Bây giờ tôi mới biết ngoài tôi và người đàn ông thì còn có thêm một người đàn bà nằm trên chiếu, đắp chiếc áo khoác, day mặt vào trong. Người đàn ông bảo: “Bà nhà tôi, cô ạ”. Giọng ông trầm nhỏ và ấm áp một cách kỳ lạ, không biết có phải vì trời vẫn chưa sáng rõ nên ông sợ làm phiền sự yên tĩnh của ai đó và cũng không muốn làm ồn vợ mình.
Ông kể, mình đến từ một thị trấn nhỏ trên cao nguyên mà tôi chưa từng nghe tên. Có gì lạ đâu, đất nước này quá rộng dài để đứa con gái luôn bị bó rịt vào bốn bức tường công sở qua ngày qua tháng qua năm như tôi có thể biết hết nếu chưa từng đặt chân đến. Họ ngồi xe từ đầu hôm và đến đây chừng mươi phút trước, đang đợi đến bảy giờ sáng để vào thăm làng Hòa Bình.
Thời còn là sinh viên đại học, tôi đã từng theo những đoàn công tác xã hội đến chốn ấy đôi lần. Đó là nơi cưu mang những đứa trẻ kém may mắn, có em khuyết tật không ra hình rõ dạng. Người đàn ông bảo họ vào đây thăm con. Khi ông nói thằng con ông nằm ở phòng trưng bày, tôi hơi tái mặt. Tôi biết ở đó có những đứa trẻ đã chết trước khi được làm người. Từ lâu căn phòng chỉ dành cho nghiên cứu khoa học hoặc những chuyến viếng thăm đặc biệt. Tôi chưa từng tận mắt nhưng cứ nghĩ đến mùi phoóc-môn xộc vào mũi thì ruột gan đã muốn lộn nhào.
Người đàn ông bảo: “Tôi đã chôn bốn đứa trước đó, nó là đứa thứ năm. Gương mặt nó đẹp lắm, chỉ có điều thằng bé không có hộp sọ”.
Rồi ông buồn bã nhìn về phía người vợ mà từ nhiều năm nay vẫn nhớ nhớ quên quên, dở khôn dở dại. Nhưng năm nào vào khoảng thời gian này bà cũng nhất quyết đòi ông đưa đi thăm con. Trong tiềm thức của bà bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất là thằng bé út của bà rất khó nuôi, phải cần sự chăm sóc đặc biệt. Và may mắn thay cho bà là khác với các anh chị của nó, mỗi năm bà còn được gặp để nhìn ngắm nó một lần.
*
Đường sá ngoài kia đã bắt đầu nhộn nhịp. Thì thành phố này có bao giờ ngủ. Chuyện lạ lùng cũng không hề thiếu bao giờ. Người đàn ông hỏi tôi về quê quán, ông bảo mình có một người bạn cùng đại đội ở dưới đó đã hy sinh theo cách những người còn sống không thể nào quên. “Cô không thể hình dung được đâu, chỗ mà anh ấy ngã xuống chỉ còn lợn cợn thịt da lẫn với bùn và máu”. Hỏi lý do vào đây, tôi kể sơ về tình hình chị Vân. Và với cơn giận còn đầy, tôi không quên vài câu trách móc người chồng tệ bạc của chị. Thật lòng tôi mong cháu nhưng cứ nghĩ đến việc may mắn giữ lại được đứa bé thì rất có thể chị Vân sẽ lại tiếp tục cuộc hôn nhân với người đàn ông chưa bao giờ ưu tiên mình lên trên hết, thì tôi có cảm giác hơi khó chịu trong lòng.
Người đàn ông đưa bàn tay còn lành lên vuốt mặt, bấy giờ tôi mới để ý một bên tay áo thõng thượt của ông. Ông bảo: “Nếu chỉ tính riêng trách nhiệm với gia đình, chính tôi cũng…”.
Rồi ông kể về một thời xa lắc, vừa cưới vợ hôm trước thì hôm sau đã phải vội đi. Ông đi ngót bảy năm, chẳng thư từ tin tức gì được. Ông đi một năm thì đến lượt thằng em út ông đi. Vỗ vỗ vào tay áo thõng và một bên đùi chỉ còn lại một nhúm thịt đen, ông bảo: “Cánh tay này tôi gửi ở Đắk Tô, cái chân bỏ lại Mã Đà nhưng vẫn là may, bởi đứa em tôi thì không bao giờ về nữa”.
Người đàn bà lại húng hắng ho. Màn hình điện thoại tôi bật sáng cùng với tiếng rung lè rè. Là anh Việt. Tôi nhấc máy, buông tiếng “a lô” đợi chờ. Anh Việt bảo anh sắp đến cổng bệnh viện nhờ tôi ra đón. Anh giải thích đại khái là vừa giải quyết xong công việc, giữa đêm anh đã mua vé bay về ngay. Giọng anh đầy hối lỗi: “Anh xin lỗi. Là do anh không phải”.
Tôi đứng dậy chào tạm biệt người đàn ông vì đã đến lúc nên vào với chị Vân. Khi ánh sáng của ngày đến mỗi lúc một gần tôi nhận thấy ánh mắt ông thật hiền từ, trìu mến. Ông bảo: “Con trẻ sẽ là sợi dây kết nối. Nếu còn hàn gắn được thì gắng sống hòa thuận với nhau cô ơi!”.
*
Vị bác sĩ trưởng khoa cầm tay chị Vân nhưng ánh mắt nhìn sâu anh Việt, bảo: “Có dấu hiệu tụ máu dọa sảy thai”. Bác sĩ dặn: “Phải nghỉ ngơi tuyệt đối”. Vài thuật ngữ y học tôi không mấy hiểu nhưng tôi biết giọt máu của chị Vân vẫn còn.
Chúng tôi ra cửa chờ taxi anh Việt vừa gọi điện thuê. Đi qua nơi lúc sớm đã ngồi, tôi ngỡ ngàng khi thấy đó không phải là một hành lang hun hút. Cũng không có dấu vết gì của băng ghế gỗ dài. Tôi hoang mang dụi mắt, chỉ thấy ở lối mà tôi nghĩ là chỗ rẽ vào hành lang, một cánh cửa sắt kéo đã gỉ lỗ chỗ. Phía trước cánh cửa im ỉm khóa là tấm bảng xanh, in chữ trắng rõ nét:
“Không phận sự, miễn vào”.