Ít, và bị biến dạng
Đà Lạt lắp thêm những đèn xanh, đèn đỏ mà vẫn kẹt xe là điều mà cách đây chỉ khoảng hơn chục năm, hầu như không ai có thể hình dung được. Ngay cả Dinh Tỉnh trưởng-một công trình có tiếng, được nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc đề xuất cần bảo tồn-cũng đứng trước nguy cơ bị biến thành các công trình phục vụ kinh tế bằng mọi giá.
Đà Lạt có lịch sử rất đặc biệt. Một đô thị được hình thành từ con số 0, không trên một tiền đề như những thành phố khác. Từ một vùng đất cao nguyên, người Pháp quy hoạch, thiết kế một cách bài bản để trở thành một thành phố nghỉ mát, đô thị nghỉ dưỡng. Tất cả các công trình đều nương theo thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên. Nhưng, tên gọi "thành phố mộng mơ" đang có nguy cơ biến mất trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Cấu trúc không gian-điều độc đáo nhất của Đà Lạt, bên cạnh hệ thống các biệt thự cổ-đã bị phá vỡ từ lâu.
Đà Lạt chỉ là một trong những thí dụ về những di sản đô thị đang có nguy cơ biến dạng. "Đô thị di sản" và "di sản đô thị" ở Việt Nam là những khái niệm mới, chưa hiện diện trong Luật Di sản văn hóa. Và đó cũng là một trong những lý do, không dễ để "viện cớ" khi tìm giải pháp giữ gìn. Đà Lạt chưa nhận được một chứng nhận chính thức nào về di sản. Nhưng ngay cả phố cổ Hà Nội-vốn được công nhận là Di tích quốc gia cách đây hơn 20 năm, thì cũng vẫn biến đổi liên tục hằng ngày, các công trình xây mới lấn át công trình cổ. Những tòa nhà cao tầng vẫn mọc lên ngay tại Khu bảo tồn cấp I.
Văn hóa Việt vốn gốc rễ là văn hóa làng. Các đô thị không những có số lượng không nhiều, mà cũng thường ra đời muộn. Những đô thị lịch sử chỉ có thể tính trên đầu ngón tay, tiêu biểu như: Phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An (Quảng Nam), cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Tài sản của những đô thị lịch sử chính là di sản đô thị. Những đô thị lịch sử giữ sự toàn vẹn mang tính hệ thống, thì được coi là "đô thị di sản"-mà Việt Nam chỉ còn lại cố đô Huế. Song, tương tự như Đà Lạt hay phố cổ Hà Nội, những di sản trong các đô thị luôn đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Tại TP Hồ Chí Minh, có một di sản khá tương đồng với Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt-Dinh Thượng thơ. Dinh Thượng thơ cũng suýt bị phá bỏ vì không phải là di tích. Rất may, những ý kiến tâm huyết của giới khoa học cũng như người dân đã kịp thời giúp giữ lại di sản đặc biệt này.
Nhận diện để ứng xử đúng
Trong một thế giới phẳng, yếu tố khác biệt tạo nên nhận diện thương hiệu cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương ngày càng trở nên quan trọng. Không phải ngẫu nhiên các tỉnh, thành phố đều kỷ niệm ngày thành lập. Điều đó chính là tìm về quá khứ, để khẳng định bản sắc. Nhưng như một nghịch lý, người ta lại đang đánh mất "di sản đô thị". Mỗi đô thị chỉ có thể giữ lại diện mạo, bản sắc, khi đô thị ấy còn giữ lại di sản vật chất, tinh thần. Trong cuộc cạnh tranh, đô thị nào có "cái Tôi" thì đô thị đó có tiềm năng phát triển, nhất là về văn hóa du lịch. Rõ ràng, nếu chúng ta không có biện pháp phù hợp thì những di sản đô thị, vốn đã ít ỏi, sẽ càng trở nên "hiếm hoi" hơn.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho biết: "Chúng ta vẫn bị nhầm khái niệm khi ứng xử với di sản đô thị. Di sản đô thị là một thực thể sống. Chủ sở hữu của nhiều di sản chính là cộng đồng cư dân của đô thị ấy. Cuộc sống của người dân vẫn phải tiếp tục. Bởi thế, chúng tôi cho rằng phải dùng khái niệm duy trì chứ không phải là bảo tồn. Duy trì là biện pháp giữ gìn di sản trong dòng chảy cuộc sống, chứ không phải bảo tồn một cách cứng nhắc. Duy trì gắn với khơi dòng cho di sản đô thị, để di sản cộng sinh trong lòng cuộc sống, tạo ra mối quan hệ giữa cổ-cũ, nay-mai".
Một đô thị luôn có quá trình vận động, phát triển. Duy trì "di sản đô thị" là sự phát triển quanh cái "lõi" di sản ấy. Việt Nam không thiếu những bài học về mở rộng đô thị. Điển hình như khi người Pháp xâm chiếm nước ta, ngay tại Huế, họ xây dựng nhiều công trình mới. Nhưng, các công trình đó không tạo ra xung đột với những kiến trúc thành quách, nhà vườn, mà hài hòa trong tổng thể đô thị. Tại Hà Nội, nhiều kiến trúc xây dựng đầu thế kỷ 20 đã dung hòa với những yếu tố bản địa. Song, những gì đang xảy ra cho thấy một xu hướng ngược lại. Hà Nội cũng được cho là địa phương nhìn ra sự khác biệt giữa bảo tồn và duy trì, bằng việc ban hành Quy chế Quản lý Quy hoạch-kiến trúc khu phố cổ. Trong đó, cho phép xây dựng, cải tạo để bảo đảm cuộc sống người dân thay vì "bảo tồn nguyên trạng". Tuy vậy, việc xây dựng phải tuân thủ chiều cao, mật độ hợp lý và cả về kiến trúc xây dựng (theo phong cách đặc trưng của phố cổ).
Có điều, thực tế vẫn đang là một câu chuyện khác. Phố cổ vẫn ngày một "cao hơn, hiện đại hơn". Điều ấy cho thấy nhận thức về di sản đô thị là chưa đủ. Chưa đủ sự nghiêm túc, ngay từ trong việc thực hiện các biện pháp quản lý…